(GD&TĐ) - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong việc lên phương án kiểm tra nồng độ nhiễm phóng xạ đối với công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước trong những ngày qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ KH&CN tiến hành kiểm tra nồng độ nhiễm phóng xạ đối với công dân từ Nhật Bản về nước.
Ảnh 1: Hình ảnh của đám mây phóng xạ từ chương trình tính toán vận chuyển khí tượng của CTBTO trong ngày 19/3 |
Ngày 19/3, Bộ KH&CN cho biết, tính đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện bất cứ công dân Việt Nam nào từ Nhật Bản về nước có dấu hiệu bị nhiễm phóng xạ. Trước đó, ngày 18/3, tại Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, 4 công dân Việt Nam (trong đó có 3 người sống ở Tokyo và 1 lưu học sinh ở TP Sendai) vừa trở về từ Nhật Bản là ông Đinh Ngọc Hưng, ông Trần Minh Hiền và vợ, con đã được kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ. Kết quả đo cho thấy, không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 trong cơ thể của những người được kiểm tra. Điều này cho thấy những người được kiểm tra không bị nhiễm phóng xạ.
Ở diễn biến diễn ra cùng ngày, Bộ KH&CN cũng cho biết thêm, Tổ chức Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) tiếp tục mô phỏng sự di chuyển của đám mây phóng xạ dựa trên dữ liệu dự báo khí tượng quốc tế. Qua quan sát, trong đám mây phóng xạ chạm đến Châu Mỹ trong ngày 18/3 và trong ngày hôm nay (19/3) có xu hướng di chuyển theo hướng ngược lại về phía biển Thái bình dương, và có thể thay đổi hướng đi tuỳ thuộc và điều kiện khí tượng cụ thể.Trung Tâm dữ liệu quốc gia, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sự di chuyển của đám mây phóng xạ trên cơ sở dữ liệu cập nhật của Tổ chức CTBTO hàng ngày.
Về nguồn phát tán tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (kết quả của Cơ quan khí tượng Nhật Bản) kết quả tính toán cập nhật cho thấy sau ngày 19/3/2011 đám mây phóng xạ sẽ có xu hướng bay tiếp ra biển theo hướng Đông - Nam (trong khoảng tọa độ từ 40 Nam 150 Tây tới 30 Nam 130 Tây. Tới hết ngày 20/3/2011, đám mây phóng xạ vẫn chưa bay về phía Việt Nam.
Trong khi đó, diễn biến tại xứ sở hoa anh đào cho thấy, quan chức chính phủ Nhật Bản đã nâng mức cảnh báo hạt nhân lên mức độ 5. Điều này cho thấy, diễn biến xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đang xảy ra phức tạp và khó kiểm soát.
Phong Vân