Kiểm tra chợ đầu mối nông sản Thủ Đức: Giấy tờ nguồn gốc hàng hoá và chủ sạp đều… ‘ở nhà’

GD&TĐ - Trong buổi giám sát tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức của HĐND TPHCM, đa số chủ sạp và giấy tờ nguồn gốc hàng hoá đều cùng nhau… ở nhà.

Tại thời điểm kiểm tra, đa số hàng hóa Trung Quốc tại các sạp đều không xuất trình được giấy tờ xuất xứ nguồn gốc.
Tại thời điểm kiểm tra, đa số hàng hóa Trung Quốc tại các sạp đều không xuất trình được giấy tờ xuất xứ nguồn gốc.

Tối 14/8 rạng 15/8, đoàn kiểm, giám sát của HĐND TPHCM do ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc xuyên đêm tại chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức.

Chủ và giấy tờ ở nhà, quét mã QR quả lê… ra "quả ong"

Ghi nhận của phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, kiểm tra sạp đầu tiên, Đoàn giám sát yêu cầu xuất giấy tờ, hóa đơn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Sau một hồi tìm kiếm, chủ sạp không xuất trình được giấy tờ một số mẫu trái cây đang bày bán với lý do giấy tờ đang ở nhà. Ngay lập tức, Đoàn giám sát yêu cầu hạ các mặt hàng chưa xuất trình được giấy tờ.

Ở sạp tiếp theo, lần này vắng mặt cả chủ sạp và giấy tờ. Nhân viên ở đây cho biết, giấy tờ chủ giữ nên không có giấy tờ, chứng từ nguồn gốc để xuất trình, nhất là các lô hàng Trung Quốc.

cho dau moi nong san thu duc 1 .jpg
Thực hiện quét mã QR trên một thùng lê Trung Quốc, kết quả hiện ra sau quét là “quả ong”.

Kiểm tra một sạp tại khu vực rau củ quả, ngoài việc các ô sạp thay đổi kết cấu, tình trạng vắng chủ tiếp tục xảy ra, nhất là những sạp có rau củ quả “lạ”.

Tại một quầy rau trưng bày nhiều sản phẩm rau củ quả có hình dáng và tên lạ. Mặc dù, Đoàn làm việc “thiết tha” gặp chủ sạp để hỏi rõ hơn về các loại rau lạ này, nhưng tại sạp chỉ toàn nhân viên và không biết gì để trả lời.

Đáng nói, sạp không chủ, không camera, nhân viên không biết gì, không giấy tờ, quét mã QR quả lê ra “quả ong” nhưng tiểu thương luôn khẳng định tất cả hàng hóa đều được kiểm tra trước khi nhập, phân phối theo đúng quy trình.

Trước thực trạng này, ông Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, cho rằng, nếu công tác quản lý tốt, tại sao kiểm tra là sai sót từ việc ghi chép, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Vậy, thực tế, có chăng việc quản lý tại 1.424 ô vựa ở chợ chỉ được thực hiện đơn thuần nên có lỗ hổng trong việc quản lý, giám sát các hoạt động tại đây.

Theo ông Nhựt, công tác quản lý tại chợ đầu mối Thủ Đức còn nhiều bất cập, với tình trạng chợ tự phát buôn bán bên ngoài tái diễn và có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nguy hiểm.

"TP rất tin tưởng về quản lý, truy xuất nguồn gốc đảm bảo bữa ăn cho người dân, trong thời gian dài chúng ta thực hiện truy xuất nguồn gốc, rất tự hào", ông Nhựt nói.

cho dau moi nong san thu duc 3.jpg
Trong số các sạp được kiểm tra đột xuất, rất ít các sạp có đủ giấy tờ nguồn gốc và chủ tại sạp.

“Kiểm tra đối chứng tại 3 chợ đầu mối (chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức) thì không được như thế, mọi thứ đều thông tin một chiều từ tiểu thương, cơ quan quản lý, tất cả đều rất rời rạc. Đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói ra sự thật, nếu chợ muốn phát triển. Các đồng chí không giấu được đâu, chúng ta biết hết", ông Nhựt nhấn mạnh

Tiểu thương “lờn” cơ quan chức năng?

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức, xác nhận, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại chợ dù được cải thiện nhưng hiện còn nhiều bất cập. Việc kiểm tra xử lý các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm phía ngoài chợ đầu mối Thủ Đức gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Khuôn, việc xử lý hành vi dùng chất cấm trong sơ chế, chế biến thực phẩm cũng không khả thi vì hàng hóa đa phần là rau củ quả (sả bào, rau chuối bào, rau muống bào) có thời gian lưu hành ngắn, mức xử phạt thấp, không đủ răn đe.

"Thời gian từ khi lấy mẫu gửi phòng kiểm nghiệm đến khi có kết quả, lượng hàng hóa niêm phong sẽ bị hư hại, chủ lô hàng bỏ hàng chuyển nơi kinh doanh khác. Công tác lưu giữ hàng niêm phong cũng gặp khó khăn", ông Khuôn cho hay.

cho dau moi nong san thu duc 5.jpg
Thành viên Đoàn giám sát "thiết tha" gặp chủ sạp vì mấy chục năm lần đầu nghe và cầm tận tay "củ nước".

Các cơ sở này chủ yếu thuê mướn mặt bằng, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thường xuyên không có người đại diện theo pháp luật, không hợp tác khi Đoàn kiểm tra lập biên bản. Hạ tầng đường sá xung quanh chợ xuống cấp, cống rãnh bị nghẹt, có những đoạn nước thải tràn ra mặt đường...

Những vấn đề nhức nhối được ghi nhận tại buổi làm việc thực tế này, Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nêu ra nhiều kiến nghị, trong đó có kiến nghị UBND TPHCM cần ban hành chế tài xử lý mạnh tay và dứt điểm các hộ kinh doanh tự phát bên ngoài khu vực chợ.

Kết luận buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, nhận định, hiện 3 chợ đầu mối cung cấp hơn 70% lượng thực phẩm cho người dân TPHCM. Đây là con số lớn, nếu không làm tốt công tác kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối, bữa ăn của 10 triệu dân TPHCM sẽ bị đe dọa, tiềm ẩn rủi ro lớn.

cho dau moi nong san thu duc 2.jpg
Ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng Phòng Y tế TP Thủ Đức báo cáo tại buổi làm việc.

Ông Bình đề nghị Sở An toàn thực phẩm, Sở Công Thương tăng cường lực lượng kiểm soát nguồn hàng vào, ra nhằm kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm và thuế.

Đối với các kho đông lạnh, kho trữ hàng xung quanh chợ, Công an, chính quyền địa phương phải rà soát kỹ, không để hàng hóa không rõ nguồn gốc trà trộn vào hàng hóa bên trong chợ.

“Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức nên thành lập một đội an toàn thực phẩm riêng. Về vấn đề vệ sinh môi trường, đoàn giám sát đánh giá vệ sinh môi trường chợ, xử lý nước thải còn chưa tốt, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Bình lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ