Đây là cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ và diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 1 tháng rưỡi (từ ngày 16/2 đến hết 31/3/2022).
Nội dung trọng tâm là vấn đề sử dụng nguồn lực, gồm chính sách, khoản chi của các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch; chính sách với bệnh nhân được điều trị, cách ly; chính sách hỗ trợ người lao động; chính sách an sinh xã hội; chính sách hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Theo số liệu của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tính đến 15/10/2021, tổng nguồn lực bằng tiền huy động cho công tác phòng, chống dịch, mua vắc-xin, thuốc điều trị, nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khoảng 150.000 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí này chưa bao gồm nguồn vận động viện trợ, tài trợ vắc-xin, máy móc, trang thiết bị chống dịch, xuất cấp gạo dự trữ quốc gia. Trong đó, tổng nguồn lực chi cho phòng, chống dịch, nguồn lực từ Trung ương khoảng 51.660 tỷ đồng, nguồn lực địa phương khoảng 75.850 tỷ đồng, chi từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 16.600 tỷ đồng.
Chính nguồn lực này đã giúp nước ta đạt được những kết quả quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh, tạo cơ sở để thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thực tế đã có những sai phạm xảy ra trong quá trình thực thi, cũng như có những trường hợp sử dụng không hợp lý, lãng phí nguồn lực.
Các vụ việc sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư liên quan đến xét nghiệm tại Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và nhiều nơi khác đã được cơ quan điều tra phát hiện và đã, đang tiến hành xử lý.
Những sai phạm, hành vi tiêu cực này gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại tài sản của Nhà nước, của nhân dân và tác động tiêu cực nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, người dân mong muốn cuộc kiểm toán sẽ đưa ra cái nhìn trung thực, khách quan, minh bạch về việc sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch tại các cơ quan đơn vị cả ở Trung ương và địa phương.
Điều được chờ đợi ở cuộc kiểm toán này không chỉ là phát hiện các vi phạm, hành vi lợi dụng tính khẩn cấp trong phòng chống dịch để trục lợi làm thất thoát, lãng phí ngân sách và các nguồn lực khác. Quan trọng hơn, cơ quan kiểm toán phải nhận diện những bất cập và khoảng trống pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp khắc phục để không còn “đất” cho những kẻ trục lợi.