Còn tôi thì nửa đùa nửa thật bảo vợ rằng: Khi nào bà muốn bỏ tôi, bà chỉ cần nói thẳng với tôi, thì 5 phút sau tôi ra khỏi nhà, chỉ mang theo bộ quần áo mặc trên người, còn lại con cái, nhà cửa, tiền vàng tiết kiệm là của bà tất!
Vậy mà cho đến giờ phút này, vợ tôi vẫn chưa bỏ tôi. Có chăng bà thấy người tôi nặng hơn tất cả những tiền vàng tôi từng tạo ra, nên bà tiếc mà không bỏ!
Kể câu chuyện này, tôi muốn các bạn hiểu rằng, dù bạn là ai, sống ở đâu, thì hãy học làm người trước khi đặt mục tiêu kiếm tiền.
Làm người, tức là bạn biết ứng xử đẹp trước mọi việc trong cuộc đời.
Khi bạn nhận một việc nào đó, hãy ứng xử đẹp bằng cách làm việc đó xuất sắc nhất.
Trong trường học, chúng ta được dạy quá nhiều thứ, nhiều đến mức học xong quên gần hết. Nhưng chỉ có một việc quan trọng nhất này thôi thì chúng ta không được học; đó là học LÀM NGƯỜI.
Khi một bạn ở trường được hỏi:
- Bạn là ai?
- Em là học trò – Bạn ấy lập tức trả lời.
Gặp một người ngoài đường, hỏi:
- Anh có ước mơ gì?
- Tôi mơ có thật nhiều tiền! – Người ấy lập tức trả lời.
Điều mà học trò và người đi đường bất chợt trả lời ấy chỉ ra một điều, rằng chúng ta chẳng hiểu biết gì về chính mình. Khi không biết “Ta là ai?” thì sống cuộc đời vô nghĩa lắm.
Là học trò, hay là bác sĩ, là giáo viên, là lái xe… hoặc là giám đốc, là nhân viên, chỉ là vị trí, vai trò của bạn trong công việc mà thôi, không phải là chính bạn.
Ước mơ có thật nhiều tiền cũng không phải là ước mơ. Bởi tiền chỉ là phương tiện, không là đích đến. Nếu mơ như thế, thì thực tế đã cho thấy “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
Trở lại với việc học làm người, là khi ta làm việc cho một tổ chức nào đó, ta phải ứng xử đẹp với tổ chức đó. Ứng xử đẹp với tổ chức, là hiểu và cùng xây dựng văn hóa tổ chức. Chung sống hài hòa, gắn kết với mọi người trong tổ chức. Hãy coi mục tiêu chung của tổ chức là mục tiêu của chính mình để phấn đấu và hợp tác chặt chẽ cùng đội ngũ của mình.
Trong một tổ chức, khi cùng nhau thực hiện một việc, thông thường sẽ xảy ra bất đồng quan điểm, dẫn đến tranh luận. Nếu như ai cũng cho mình là đúng, khăng khăng bảo vệ cái tôi cá nhân, thì bất đồng quan điểm sẽ tạo nên cảm xúc xấu, khiến họ không hợp tác với nhau nữa, làm việc theo kiểu chống đối, không dẫn tới kết quả.
Ứng xử đẹp là tạo thói quen hoàn thành xuất sắc nhất công việc, chia sẻ kỹ năng và huấn luyện người khác làm giỏi công việc.
Nhưng trong trường hợp chúng ta thấu hiểu rằng, khi tổ chức thất bại, thì chính ta cũng đã thất bại, việc ai đúng không quan trọng, mà kết quả cuối cùng của tổ chức mới quan trọng, thì khi ấy, việc quan điểm chưa đồng nhất lại là một lợi thế.
Bởi, bất cứ một ý tưởng nào đưa ra, cũng cần có phản biện để phòng rủi ro, và tiếp tục nâng ý tưởng đó lên, hoàn thiện hơn, chứ không phải là bác bỏ hay hủy diệt, tôi thắng, anh thua, tôi được, anh mất...
Những lãnh đạo đội nhóm giỏi lại là người biết khơi gợi và khuyến khích những quan điểm trái chiều, để từ đó cải tiến những dự án mà đội nhóm đang thực hiện.
“Đúng” hay “Sai” không quan trọng, mà cải tiến phương pháp làm việc mới quan trọng, nâng sự tiến bộ chung của cả tổ chức mới có ý nghĩa. Tiền thu về được bao nhiêu, không quan trọng bằng trình độ sống, trình độ làm việc gia tăng lên bao nhiêu.
Xác định được tâm thế làm người như vậy, thì mọi tổ chức sẽ tránh được sự mất đoàn kết, làm việc hiệu quả và hào hứng như tham gia trò chơi thú vị.
Như vậy, làm người, cũng có nghĩa là trong một tổ chức bất kỳ, bạn và đồng đội của bạn phải nắm được những kỹ năng cơ bản: Kiểm soát bản thân; Quản lý cảm xúc; Quản lý căng thẳng và áp lực.
Khi dịch chuyển được mục tiêu nâng cao những con số trong tài khoản ngân hàng, sang mục tiêu nâng cao trình độ sống và làm việc, thì bạn sẽ được hạnh phúc và thành công mà không phải nhọc nhằn tranh giành, không gây thù chuốc oán trong mọi phương diện của cuộc sống.