Cần có các chính sách và quy định pháp lý cho kiểm định khí thải xe máy; xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy đồng bộ, thống nhất; có chính sách hỗ trợ người dân thu hồi, thay thế phương tiện không đạt chuẩn khí thải…
Vấn đề nan giải
Theo thống kê, nước ta hiện đang có hơn 83 triệu phương tiện giao thông đang lưu hành, trong đó có khoảng 78 triệu là mô tô, xe gắn máy. Không chỉ gây sức ép lớn lên cơ sở hạ tầng, hoạt động giao thông cũng gián tiếp đưa Việt Nam vào top 3 quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động nhất của khu vực Đông Nam Á.
Tại hội thảo Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô tham gia giao thông, ông Nguyễn Đông Phong, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, những năm qua Việt Nam có nhiều nỗ lực để kiểm soát phát thải độc hại.
Tuy nhiên, để thực hiện việc kiểm định khí thải xe máy là một bài toán cực kỳ thử thách, bởi, lượng xe máy ở Việt Nam rất lớn. Việc xây dựng mạng lưới kiểm định mất gần 30 năm mới được gần 300 trạm. Còn lượng xe máy gấp 10 lần ô tô, dù kiểm định đơn giản hơn nhưng tỉ lệ tương ứng để phủ rộng giai đoạn đầu cũng cần hàng nghìn cơ sở tham gia kiểm định.
Để giải “bài toán” kiểm soát khí thải phương tiện, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho rằng, kiểm định khí thải phương tiện giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương mục tiêu đưa phát thải ròng về zero vào năm 2050.
“Việc kiểm soát khí thải ô tô, xe máy cũng được nghiên cứu từ lâu (năm 2010 Chính phủ đã có Đề án 909 về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy đang lưu hành)”, ông Phương thông tin.
Cũng theo ông Phương, nên triển khai kiểm soát khí thải phương tiện giao thông ở các thành phố lớn trước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ… sau đó mới lan tỏa dần ra các địa phương khác. Ngoài ra, có thể nghiên cứu các loại phương tiện nào cần làm trước để vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường vừa đảm bảo tính khả thi của việc kiểm soát khí thải.
Thời gian tới, Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Chính phủ lộ trình áp dụng chương trình khí thải đối với các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải (Trường Đại học Việt Đức) cho biết, đối với các thành phố lớn ở Việt Nam thì vấn đề ô nhiễm khí thải là nan giải. TP HCM có rất nhiều phương tiện giao thông. Điều này không chỉ gây ra ùn tắc và tai nạn giao thông mà nó còn gây ra tác động đến sức khỏe của người dân rất lớn.
Vì vậy, TPHCM cần có nghiên cứu và đưa ra lộ trình phù hợp để kiểm soát phát thải, khí bụi bẩn. Thời gian tới, Trường Đại học Việt Đức cũng sẽ phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, địa phương và các tổ chức nước ngoài nghiên cứu sâu hơn để đưa ra lộ trình cho phù hợp.
“Tuy nhiên, trước mắt, tôi nghĩ TPHCM có thể đi tiên phong triển khai vấn đề này trong 5 năm tới. Thành phố có thể phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam để xem xét các quy chuẩn, quy định hướng dẫn về mặt kỹ thuật đối với kiểm soát khí thải xe máy để triển khai ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng các trung tâm bảo dưỡng xe máy để kiểm định”, ông Tuấn chia sẻ.
Tăng cường quản lý
Các chuyên gia cho rằng, quy định mô tô, xe máy đang lưu hành phải kiểm tra định kỳ về phát khí thải là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của loại phương tiện giao thông này đối với giao thông cũng như môi trường.
Đặc biệt, chủ trương này nếu được thực hiện sẽ là tiền đề quan trọng để từng bước loại bỏ xe máy cũ nát ra khỏi môi trường giao thông. Bên cạnh đó, hướng tới môi trường đô thị xanh, bởi, đây vốn là điều ngành giao thông vận tải trăn trở trong suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại về tính khả thi của đề xuất này nếu như không có một lộ trình thực hiện chính xác và phù hợp, trước hết là xe cũ nát, đã sử dụng lâu năm, gắn với cơ chế khuyến khích sử dụng phương tiện xanh.
Theo chuyên gia Phan Lê Bình, hàm lượng khí Nox (các hợp chất oxit nitơ gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người) thải ra từ 1 chiếc xe máy tương đương với 1 chiếc ô tô sử dụng xăng thông thường. Điều này cho thấy, khối lượng khí bụi mịn từ mô tô, xe gắn máy thải ra môi trường là cực kỳ lớn và các bên cần phải sớm triển khai các giải pháp kiểm soát khí thải với loại phương tiện này.
“Việc kiểm soát khí thải đối với mô tô xe máy đã được đề cập từ lâu rồi và đến nay tôi cho rằng là vấn đề thực sự cấp thiết để hạn chế dần tình trạng ô nhiễm, tạo ra bầu không khí trong sạch hơn, ít ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của người dân hơn”, ông Bình nói.
Một nhà quản lý về môi trường cũng cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để cụ thể hoá chủ trương kiểm soát khí thải đối với xe gắn máy, xe mô tô khi các yếu tố về pháp lý, truyền thông, điều kiện kỹ thuật cũng như điều kiện kinh tế của người dân.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, việc bắt buộc kiểm định khí thải định kỳ mô tô, xe máy là cần thiết bởi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường.
“Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã thực hiện kiểm soát khí thải định kỳ đối với xe máy từ lâu rồi. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cho chủ trương này, cần phải có một lộ trình cụ thể với những phương án phù hợp cho điều kiện, thói quen của người dân”, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy.