Kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng khoai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Gia đình anh Phạm Viết Roảnh (47 tuổi) xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) giàu lên nhờ trồng khoai trên đất mặn.

Ruộng khoai lang xanh mướt của gia đình anh Roảnh.
Ruộng khoai lang xanh mướt của gia đình anh Roảnh.

Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Đồng Rui là xã đảo thuộc huyện Tiên Yên có 2.800ha rừng ngập mặn, chiếm hơn 50% diện tích đất tự nhiên của xã. Lượng muối tích tụ nhiều nên đất ngập mặn tại đây rất khó khăn trồng các loại cây nông nghiệp như lúa, ngô hoặc cây ăn quả.

Thấy được thực trạng đó, nhiều nông dân xã đã thử nghiệm trồng khoai lang, khoai bồng và biến điểm yếu đó thành điểm mạnh, vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Phạm Viết Roảnh trồng khoai từ năm 2003 và gắn bó với loại nông sản này đến nay đã 20 năm.

Hiện nay, diện tích trồng khoai của gia đình anh Roảnh khoảng 2ha, chia làm 20 ruộng nhỏ, trong đó có 1,5ha trồng khoai lang, còn lại trồng khoai bồng (mùng nước mặn).

Khoai lang không trồng quanh năm, chỉ tập trung vào 2 vụ là thu đông và đông xuân. Mỗi vụ trồng 3 đến 4 tháng bắt đầu thu hoạch. Do vậy, trồng khoai phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết, trời rét quá hay trời khô quá dây không lên được và củ cũng kém phát triển.

Anh Roảnh cho biết, Đồng Rui có nhiều diện tích đất pha cát với đặc tính đất bở, tính kháng khuẩn tốt nên trồng khoai lang rất dễ, không mất quá nhiều thời gian. Chỉ cần thuê máy băm để phay đất, sau đó cày luống và đảm bảo một số kỹ thuật đặc thù là khoai phát triển được. Trong quá trình đánh luống, chú ý vun đất cao 60cm, nếu thấp hơn củ khoai sẽ bị thối vì úng nước.

Anh Roảnh thu hoạch khoai lang.

Anh Roảnh thu hoạch khoai lang.

Trồng khoai lang quan trọng nhất khâu chọn dây và cải tạo đất. Dây khoai phải dùng những loại vừa tầm, không quá già để làm giống, nếu già sẽ không đủ chất dinh dưỡng khiến cho củ còi cọc hoặc không có củ.

Để cải tạo đất, anh Roảnh dùng cây lá mắm độn vào đất, giúp đất tơi xốp, mang lại dinh dưỡng tốt nhất cho dây khoai phát triển. Ban đầu, anh Roảnh dùng lân đỏ bón lót, sau rắc đạm lên các óc khoai, dùng tăng cường thêm nguồn phân ủ trấu và mùn cưa. Việc chọn dây và cải tạo đất càng kỹ thì củ khoai càng to, đẹp, không bị thối, thuận lợi cho canh tác các vụ sau.

Theo anh Roảnh, khoai lang Đồng Rui được trồng trên đất mặn, có hơi mặn từ biển vào nên đậm đà, thơm ngon đặc biệt. Khoai không sử dụng chất kích thích, luộc lên củ bở tơi, không sậm sật, có chút mặn mòi đặc trưng vị muối biển.

Khoai Đồng Rui đã trở thành thương hiệu sản vật nổi tiếng của huyện Tiên Yên nên khoai của gia đình anh Roảnh được nhiều người biết đến, khách đến mua tại ruộng đông...

Năm 2023, sản lượng khoai lang thu hoạch được của gia đình anh Roảnh lên đến gần 10 tấn. Loại to 10 củ/kg giá bán 15.000 đồng/kg, loại nhỏ hơn 20 củ/kg giá bán 10.000 đồng/kg. Trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Anh Roảnh hồ hởi khoe, một sào lúa thu được 1 triệu đồng trong khi 1 sào khoai thu được 3 đến 4 triệu đồng, năng suất cao hơn hẳn mà lại không mất quá nhiều công sức.

Dây khoai lang được anh Roảnh tận dụng bán cho người dân Ba Chẽ mua về cho trâu ăn, ủ lá khoai với muối hoặc men pha làm thức ăn cho lợn.

Xen canh đảo vụ

Theo kinh nghiệm của nông dân, “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, tức là trồng khoai trên đất mới sẽ cho năng suất cao hơn so với trồng nhiều vụ trên cùng một thửa đất. Vì vậy, anh Roảnh áp dụng trồng đổi vụ, vụ này trồng khoai thì vụ sau trồng lúa và ngược lại.

“Trồng lúa mặc dù năng suất thấp, không có lãi nhưng vẫn phải trồng xen canh để cải tạo đất cho vụ sau trồng khoai. Mỗi năm gia đình tôi cũng thu được khoảng 50 triệu đồng từ xen canh lúa và khoai bồng”, anh Roảnh nói.

Gia đình anh kết hợp nuôi thêm lợn để tận dụng phân chuồng bón cho khoai. Trang trại hơn 200m2 với gần 60 con lợn trắng, mỗi năm mang về cho gia đình anh Roảnh hơn 50 triệu đồng tiền lãi.

Khoai được phân loại bán cho khách.

Khoai được phân loại bán cho khách.

Vợ anh Roảnh, chị Phạm Thị Lành nửa đùa nửa thật ví công việc trồng khoai lang, nuôi lợn là “làm chơi ăn thật”, giúp nhà chị có tiền trả nợ xây nhà, mua được xe và cho con cái học hành, lập nghiệp ở các thành phố lớn.

Nhờ đa dạng hóa các mô hình trồng trọt chăn nuôi, tận dụng thế mạnh tự nhiên của địa phương đã giúp gia đình anh Roảnh thu được khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Lý Văn Diểng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tiên Yên cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều hộ dân phát triển kinh tế từ mô hình trồng khoai lang, trong đó nhiều nhất là xã Đồng Rui. Toàn xã có hơn 170 hộ trồng khoai lang với sản lượng 85 tấn/ha, thu được hơn 300 tấn mỗi năm, do HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến quản lý.

Hiện, HTX chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến đang đề xuất dự án xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ