![]() |
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT |
Công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông năm học 2008 – 2009 đã đạt được những kết quả quan trọng và tiếp tục có những chuyển biến, tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, đó là nhận định của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT tại hội thảo.
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2009, toàn quốc có 1900 thí sinh đoạt giải, chiếm 49,54% tổng số thí sinh dự thi, trong đó có 43 giải nhất, 365 giải nhì, 714 giải ba và 778 giải khuyến khích. Tỷ lệ thí sinh đoạt giải và chất lượng giải đều cao hơn năm 2008.
Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, Việt Nam có tổng cộng 23 học sinh dự thi, trong đó 22 học sinh đoạt giải gồm 3 Vàng, 11 Bạc và 8 Đồng. Mặc dù kết quả không cao bằng năm trước nhưng nhìn chung, tỷ lệ huy chương vẫn cao so với thế giới.
Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 với nhiều thay đổi cơ bản trong công tác tổ chức thi (thi theo cụm, chấm chéo bào thi tự luận, sử dụng thống nhất 1 phần mềm quản lý thi) về cơ bản đã được tổ chức thành công. Kết quả, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc với giáo dục THPT là 83,6%, với giáo dục thường xuyên là 39,6%. Việc chấm thẩm định để rút kinh nghiệm các khâu coi thi và chấm thi của các địa phương vẫn được duy trì. So với các kỳ thi tốt nghiệp những năm trước, đây là kỳ thi được tổ chức tốt hơn, tạo thêm những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương đổi mới thi và tuyển sinh của ngành GD&ĐT trong thời gian tới.
Về công tác KĐCLGD phổ thông, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, đến tháng 5/2009, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục các cấp học đã và đang đi vào cuộc sống, cho thấy công tác kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam đã được định hướng rõ ràng, có những bước khởi đầu hợp lý và có tính khả thi nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác đảm bảo chất lượng của các Sở GD&ĐT cũng được tăng cường, củng cố với 100% Sở GD&ĐT đã thành lập Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Triển khai các hoạt động đào tạo tập huấn chuyên môn và chỉ đạo triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Văn Nghĩa, bên cạnh những thành tựu, hoạt động khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông còn gặp nhiều khó khăn và tồn tại khá nhiều bất cập. Đó là: Cùng với triển khai thực hiện Luật giáo dục 2005 và chủ trương đổi mới giáo dục của Chính phủ, của ngành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phải xây dựng mới, đồng thời phải điều chỉnh, bổ sung từng bước. Do chưa có được những thông tin đầy đủ chính xác, dư luận xã hội còn thể hiện sự băn khoăn khoăn hoặc chưa đồng thuận cao với chủ trương đổi mới thi, tuyển sinh, đổi mới kiểm tra, đánh giá của ngành GD&ĐT. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông là 1 lĩnh vực còn mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều chuyên gia và còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Chưa có các quy định về tài chính cho các hoạt động liên quan đến hoạt động này.
Trước những khó khăn đó, ông Nghĩa nhấn mạnh, việc tập trung khắc phục những khó khăn, bất cập, tăng cường đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của đổi mới giáo dục phổ thông chính là cơ hội cũng là thử thách để ngành GD&ĐT nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng thực hiện đánh giá nghiêm túc, chính xác chất lượng giáo dục, tạo những chuyển biến cơ bản để tiếp tục đổi mới và phát triển, đáp ứng các yêu cầu của đời sống xã hội.
Nhiều Sở GD&ĐT đã bày tỏ những khó khăn vướng mắc trước thực tế công tác khảo thí và kiểm định chất lượng GD là vấn đề mới mẻ, phải làm việc trong điều kiện quy chế chưa đầy đủ… Như bà Chu Thị Thanh Loan, Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: Phòng khảo thí và Kiểm định chất lượng của Sở mới được thành lập nên công tác chỉ đạo còn thiếu kinh nghiệm; việc triển khai công tác kiểm định cũng gặp nhiều khó khăn do cán bộ chưa được tập huấn.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định, công tác khảo thí và kiểm định chất lượng có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ trong phạm vi ngành Giáo dục. Trước rất nhiều việc phải làm, thứ trưởng lưu ý nên xác định những việc cần ưu tiên làm trước và làm đến đâu phải chắc đến đó. Thêm nữa, điều kiện các địa phương, các tỉnh, mỗi trường đều khác nhau nên phải thống nhất trong chỉ đạo chung nhưng cũng đảm bảo được sự chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương, mỗi nhà trường. Trong quá trình triển khai phải chú ý tạo được sự đồng thuận trong ngành và toàn xã hội. Thứ trưởng còn nhấn mạnh việc ban hành các văn bản pháp luật và kiểm tra thực tế đi vào cuộc sống của những văn bản đó; việc tăng cường bộ máy nhân sự; tổ chức tập huấn, lề lối làm việc…
Tại Hội thảo, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố và xin ý kiến góp ý các đại biểu Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT; Dự thảo hướng dẫn sử dụng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THCS và THPT; góp ý tiêu chí đánh giá thi đua trong lĩnh vực khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục…Sau hội thảo, Bộ GD&ĐT sẽ tập hợp ý kiến góp ý của các đại biểu để cân nhắc, chỉnh sửa và sớm ban hành văn bản chính thức hướng dẫn thực hiện.
Hai ngày 12 và 13/10, Hội thảo phía Nam sẽ được tổ chức tại TP.HCM với sự tham dự của đại biểu 21 tỉnh, thành phố.
Hiếu Nguyễn