Nhiều dự án dạy học ý nghĩa

GD&TĐ - Diễn ra trong hai ngày 20 và 21/1, vòng chung kết cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm học 2017 - 2018 cấp TP do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức nhận được sự quan tâm rất lớn của phụ huynh, HS và giới chuyên môn. Với 168 sản phẩm, trong đó có 80 dự án dạy học, các giáo viên hướng dẫn cùng HS đã mang đến cuộc thi những thông điệp rất ý nghĩa.

Nhiều dự án dạy học ý nghĩa

Nâng cao kiến thức lịch sử

Nhằm giúp cho mọi người có thể hiểu được các tượng đài được dựng ở trên nhiều tuyến đường của TP, thầy giáo Thái Quốc Đạt cùng HS Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6 đã thực hiện dự án “Tượng đài lịch sử trong thành phố em”.

Theo thầy Quốc Đạt, đây là dự án bắt nguồn từ bài học tiếng Anh Unit 3: People"s background trong chương trình tiếng Anh lớp 10.

Nhận thấy trong bài chỉ có một số nhân vật lịch sử thế giới, vì vậy thầy nghĩ đến việc cho HS tìm hiểu những nhân vật lịch sử, văn học Việt Nam, cụ thể là qua các tượng đài được dựng ở một số tuyến đường chính của TP như tượng đài Trần Hưng Đạo, Thánh Gióng, Phan Đình Phùng…

Tham gia dự án, HS được phân nhóm đi thu thập các thông tin về tượng đài, chụp hình làm tư liệu, thiết kế web, làm poster, làm video, pop-up để hoàn chỉnh dự án nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về tên gọi của những nhân vật lịch sử, những đóng góp của họ cho dân tộc.

Qua đó, nâng cao nhận thức tìm hiểu lịch sử nước nhà cũng như lịch sử thế giới của mọi người, hình thành lòng biết ơn và sự trân quý đối với các anh hùng dân tộc và những danh nhân đã có những đóng góp to lớn vào kho tàng kiến thức nhân loại.

Tương tự, thầy giáo Lê Văn Trường và HS hai lớp 10A15, 12D3 của Trường THPT Marie Curie đã thực hiện dự án “One day trip Sai Gon”.

Dự án vừa kết hợp môn học Tiếng Anh, Tin học, Lịch sử, Địa lý… để tạo nên một cuốn cẩm nang dành cho khách du lịch nước ngoài (khách đi tự túc) khi đến TPHCM. Trong đó sẽ có bản đồ chỉ các tuyến xe bus được đơn giản hóa từ bản đồ Google Maps tới 15 địa điểm lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở TPHCM như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Chợ Bến Thành, đền Trần Hưng Đạo, tòa nhà UBND TP, Dinh Thống Nhất…

Các địa điểm sẽ được giới thiệu sơ lược bằng tiếng Anh, kèm theo một số gợi ý cho du khách về món ăn ngon, tư vấn du khách về khách sạn, homestay, một số câu nói tiếng Việt cơ bản, bảo tàng lịch sử và giá vé… để có thể tự tham quan. Du khách có thể sử dụng bản đồ bằng giấy hoặc có thể dùng Zalo, Facebook sử dụng code ở trên bản đồ để truy cập vào trang web do HS thiết kể để biết được chi tiết 15 địa điểm.

Cho em tuổi thơ

Là một trong 3 dự án dạy học giành giải Nhất tại cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm nay được thực hiện bởi cô giáo Võ Thị Như Nhi, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1).

Theo cô Như Nhi, trẻ em thành phố rất ít có cơ hội để biết và chơi các trò chơi dân gian, vì vậy dự án mong muốn mang đến cho các em HS tiểu học biết các trò chơi, biết cách chơi những trò chơi dân gian, qua đó các em được trải nghiệm và có ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Dự án được thực hiện trong vòng khoảng 3 tháng với sự tham gia của HS lớp 2/8 và một số em HS lớp 5 của trường.

Quá trình hoàn thiện dự án, HS đã tổ chức được một buổi chơi tại Thảo Cầm Viên cùng ba mẹ, tặng cho ba mẹ một vé về tuổi thơ với các trò chơi do các em tổ chức.

Ngoài trò chơi dân gian, cô Như Nhi cũng khéo léo lồng ghép kiến thức mà các em lớp 2 đang học là phép nhân, cộng trừ có nhớ trong phạm vi 100 như trò chơi banh đũa, hay trò chơi 5 - 10, trò cướp cờ. Ngoài ra, khi tham gia trò chơi HS có thể tăng cường sức khỏe, sự khéo léo, đoàn kết….

Cô Như Nhi cho biết thêm, trong tương lai, cô hi vọng có thể xây dựng được nhiều trò chơi học tập kết hợp trò chơi dân gian cho HS. Thông qua đó, tăng cường quảng bá các trò chơi đến với khách quốc tế thông qua kênh youtube của trường, do HS tự quay cách chơi, giới thiệu trò chơi…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ