“Một chú chim rẽ nhỏ lon ton kiếm ăn trên bãi bồi, chim mẹ dịu dàng dõi theo. Ở chim mẹ có một điều gì đó rất đỗi quen thuộc - một đốm tròn to trên mỏ… Đó chính là Sandy!”…
Tác giả, nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn khép lại câu chuyện dẫn dắt những bức tranh của triển lãm “Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa” với dải đất hình chữ S xinh đẹp thật dịu dàng và ấm áp.
Sắc màu và con chữ quyện hòa
Cùng với chuyến “công du” tới Vương quốc Anh, triển lãm tiếp tục diễn ra tại Lotte Mall West Lake Hanoi, thu hút sự quan tâm của công chúng trong những ngày cuối năm 2023 dần khép lại để đón năm 2024.
Đây là dịp 15 họa sĩ trẻ tham gia khóa hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi cùng kể câu chuyện về chim rẽ mỏ thìa - loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) – bắt đầu hành trình di cư từ vùng Đông Bắc nước Nga về phương Nam...
“Trên bầu trời bao la của biển Bering, chim bố và chim mẹ bay cạnh nhau, đôi cánh duyên dáng chao liệng giữa không gian lạnh giá. Nơi từng có thật nhiều chim rẽ mỏ thìa nay chỉ còn rất ít, chưa tới một ngàn cá thể sót lại trên thế giới.
Chúng cùng nhau xây tổ để đẻ trứng và chờ đợi chim non nở…”.
Câu chuyện được mở ra như thế, không phải là sự bình yên mà là những tiếc nuối trước nguy cơ dần biến mất của loài chim rẽ mỏ thìa. Nhưng neo lại nơi đó vẫn là khát vọng xây tổ ấm, vun vén hạnh phúc cho những cuộc đời mới của cặp mỏ thìa bố mẹ. Đó cũng chính là hình ảnh được họa sĩ Cacho chọn để vẽ mà khi ngắm nhìn sâu vào đó dường như người xem được quẳng đi những âu lo, chỉ còn lại biết bao ấm áp, trìu mến…
Cứ thế nối tiếp, sắc màu và con chữ quyện hòa. Nếu ở dạo đầu còn là những bay bổng, thắm sắc hồng từ cuộc đời tươi mới của chim non Sandy thì đến phân giữa trải đầy gió giông khi bước vào hành trình lần đầu tiên di cư về phương Nam của Sandy cùng anh em trong những háo hức, mong chờ.
Nào là, một chú ngỗng tốt bụng che chở gió buốt cho cô bé trong suốt 12 ngày đêm di cư bỗng rơi xuống sau tiếng súng nổ. Rồi thì, những tấm lưới vô hình dâng cao trên bầu trời, lừa bắt đàn chim di cư đang mải miết sải cánh…
Bất ngờ hơn cả khi Sandy đáp xuống bờ biển Việt Nam. Cô bé đang mừng vui vì không chỉ tìm thấy thức ăn sau bao ngày mệt mỏi, đói lả, mà còn được đoàn tụ cùng mẹ, thì bỗng bị mắc kẹt bởi lưới ma - “những tấm lưới bị ngư dân vứt đầy bờ biển mà cô không thể nhìn thấy dưới nước”…
Câu chuyện giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn ấy được tác giả Trang Nguyễn viết để các họa sĩ trẻ, gồm: Nguyễn Vũ Xuân Lan, Ngô Hải An, Nguyễn Cẩm Anh, Chyn, Trà Nhữ, Đinh Kiều Dương, Thư Cao, Lê Minh, Thanh Sơn, Tất Sỹ, Lapule, Vũ Đinh Đinh, Cacho, Trang Phạm và Linh Vương nắm bắt tinh thần, sáng tạo độc lập và bổ trợ cho phần lời tạo thành một tổng thể.
Có khi, nhìn tranh mà mỗi người thêm những hình dung, tưởng tượng cho riêng mình về một tình cha lấy thân mình che chở cho các con khi mùa Đông giá rét tràn về; về một niềm hân hoan khi gia đình rẽ mỏ thìa được cứu giúp khỏi lưới ma và đoàn tụ.
Tất nhiên, phần lời cũng rất rành rẽ và ngắn gọn, súc tích giúp người đọc hiểu thêm diễn biến câu chuyện và đặc tính của nhân vật, kiểu như: “Chúng ăn rất nhiều côn trùng, hạt cỏ và quả mọng”…
Vì thế, dù chỉ có 16 bức tranh nhưng người xem cần dành thời gian chậm bước thư thả ngắm nhìn, đọc lời để nạp cho mình những kiến thức mới về chim rẽ mỏ thìa cùng nhận thức mới của việc cần phải bảo vệ chúng là một trong các loài động vật hoang dã.
Cũng từ đây, sau những giật mình trước thực trạng con người vẫn cố tình giăng bẫy đánh bắt chim trời hay vô tình xả rác khắp nơi không chỉ làm ô nhiễm môi trường, mà còn khiến biết bao động vật hoang dã bị mắc kẹt mà nếu không sớm được cứu giúp thì sẽ chết, dường như mỗi người được tiếp thêm năng lượng mới của tình đồng loại ấm áp, tình anh em sẻ chia, tình mẫu tử thiêng liêng và tình người yêu thương, chan hòa…
“Qua những bức tranh đầy màu sắc tươi tắn, dễ thương của triển lãm, lần đầu tiên con được biết về loài chim rẽ mỏ thìa, nhìn chúng thật lạ, nhất là chiếc mỏ giống hệt cái thìa. Ngoài ra, con cảm thấy sợ hãi khi xem bức tranh và đọc phần lời kể về giây phút Sandy bị mắc lưới ma vì không nghĩ con người lại có thể đối xử với loài chim như thế…”, theo bố ghé triển lãm, bé Quỳnh Anh (Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Nhóm họa sĩ, tác giả tham gia lớp học dự án chụp hình kỷ niệm tại triển lãm ở Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh. |
Chuyến đi thực tế tại vườn quốc gia Xuân Thủy của các thành viên tham gia lớp học. Ảnh: Nhã Nam. |
“Quả ngọt” từ nỗ lực của Nhã Nam
Triển lãm “Sự trở lại của chim rẽ mỏ thìa” là “quả ngọt” đầu tiên từ lớp hướng dẫn vẽ tranh minh họa sách thiếu nhi hoàn toàn miễn phí cho sinh viên, họa sĩ trẻ thuộc dự án của Nhã Nam và Nhà xuất bản Simon & Schuster, Tổ chức Pop Up Projects cùng sự hỗ trợ kết nối và tài trợ của Hội đồng Anh tại Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ chương trình UK/Viet Nam Season nhằm tôn vinh 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Anh và Việt Nam; 30 năm Hội đồng Anh có mặt tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, phải sau hơn một năm thảo luận, lên kế hoạch, dự án mới được triển khai. Ban đầu gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với tổ chức phi lợi nhuận Pop Up Projects, Nhã Nam đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ.
Đối tác cho biết, đây là lần đầu tiên họ đem dự án kết nối và hỗ trợ họa sĩ trẻ ở Anh ra nước ngoài. Cơ hội đến với Nhã Nam cũng như họa sĩ trẻ Việt Nam từ đây, nhất là nguồn tài trợ với chi phí không nhỏ để mời chuyên gia là các nhà sáng tạo sách tranh nổi tiếng, gồm: Jan Fearnley, họa sĩ minh họa sách thiếu nhi nổi tiếng tại Vương quốc Anh và Jane Buckley, Giám đốc nghệ thuật của Simon & Schuster, từng đoạt nhiều giải thưởng trong lĩnh vực xuất bản dành cho trẻ em.
Sau đó, ban tổ chức đã rất vất vả chọn 15 trong 150 hồ sơ có năng lực khá đồng đều và xuất sắc gửi đến dự tuyển. Lớp học diễn ra trong 2 tuần rất căng thẳng vì các chuyên gia đều nhận thấy các học viên rất tài năng nên đặt ra yêu cầu cao. Nối tiếp đó, mỗi họa sĩ còn có khoảng thời gian làm việc 1 - 1 online, gửi sản phẩm và nghe nhận xét, yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần từ các chuyên gia.
“Đây là quá trình làm việc nghiêm túc, chất lượng chuyên môn cao để đưa những bước phác thảo về một cuốn truyện gồm 16 tranh do các họa sĩ hợp tác, mỗi người vẽ một tranh. Triển lãm thể hiện câu chuyện hoàn chỉnh giới thiệu đến công chúng và giai đoan tiếp theo sẽ là chọn một họa sĩ để cùng các chuyên gia, biên tập viên bên Anh hoàn thiện thành tác phẩm hoàn chỉnh và xuất bản”, ông Minh cho biết.
Nói về mối duyên với dự án, họa sĩ Trang Phạm chia sẻ, cô tình cờ cập nhật trên Facebook và cảm thấy rất hay vì chưa bao giờ vẽ tranh cho độ tuổi nhỏ. Đó cũng là cơ hội để cô thử sức, vừa được học tập trực tiếp từ các chuyên gia tài giỏi vừa xem bản thân có thể mở rộng được mảng sáng tạo qua mảng tranh thiếu nhi nữa không.
Trong quá trình tham gia học tập, họa sĩ này đặc biệt ấn tượng về cách các chuyên gia cho thực hành bài tập vẽ rất cơ bản như từ lúc học ban đầu; hay lúc đến vườn quốc gia Xuân Thủy được trải nghiệm, quan sát các loài chim làm tài liệu quý để các họa sĩ vẽ cho dự án.
Đến phần thực hành, mỗi học viên thực hiện 4 bức tranh liên quan đến nội dung câu chuyện về chim rẽ mỏ thìa mà tác giả Trang Nguyễn viết.
Bức tranh mô tả giây phút Sandy gặp lại mẹ sau những tháng ngày di cư và gặp bao mối hiểm họa của họa sĩ Trang Phạm được lựa chọn để góp vào sự hoàn chỉnh của câu chuyện: “Chim bay ngập bầu trời, niềm vui rạng ngời ánh lên từng chiếc lông vũ. Thế rồi có ai đó cất tiếng gọi, một âm thanh Ấm áp và dịu dàng. Đó là mẹ của Sandy! Sandy bay sà vào đôi cánh của mẹ, hạnh phúc trong cái ôm siết chặt tưởng chừng có thể nâng đỡ cả thế giới”.
Nhìn nhận đây là khoảnh khắc hạnh phúc, mọi thứ rất viên mãn nên cô đã sử dụng màu sắc ấm áp và vẽ nhiều loài chim khác cùng hòa chung niềm vui khi được tung cánh tự do…
Thực ra, như nhiều người, Trang Phạm cũng chưa từng biết đến loài chim rẽ mỏ thìa và cũng chưa từng để ý đến thông tin: Loài chim này cũng là một loài động vật hoang dã cần bảo vệ. Song sau lớp học này, cô quan tâm hơn đến các bài báo liên quan và thấy có phần buồn lòng trước thực trạng có nhiều bẫy chim, nhiều điều mà không thể tưởng tượng vì sao con người lại có thể làm được như thế.
Triển lãm đem đến cho công chúng nhận thức mới về trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: Bình Thanh. |
“Tôi đã có những trải nghiệm rất vui, cần thiết cho chính bản thân từ dự án này. Qua đây, tôi vừa được học điều mới, nâng cao kỹ năng vẽ từ những người trong ngành vừa được giao lưu, học từ chính các họa sĩ khác, mà trước đây mới biết qua mạng xã hội. Đây là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong năm 2023 của tôi. Vì vậy, tôi rất biết ơn ban tổ chức và mong có nhiều cơ hội tham gia những dự án như thế”, họa sĩ Trang Phạm xúc động bày tỏ.
Tác giả, nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn thì cho rằng, việc cô được cùng hợp tác với 15 họa sĩ để làm nên triển lãm “Sự trở về của chim rẽ mỏ thìa” là điều may mắn mà không phải ai cũng có được.
Các họa sĩ được làm việc độc lập, thể hiện hết khả năng, tùy ý thể hiện màu sắc, sự sáng tạo mà không bị giới hạn hay theo khuôn mẫu nào để đưa ra những bức tranh giàu cảm xúc nhất. Ngoài việc họa sĩ góp sức bằng những bức tranh cụ thể cho câu chuyện thêm sinh động, cô còn cho rằng chính từ họ sẽ có thêm cơ hội tìm hiểu kỹ về loài chim này và có thể vẽ mà không lẫn với các loài động vật hoang dã khác.
“Đấy cũng là điều rất quan trọng và là chiến thắng nhỏ trong ngành bảo tồn. Cùng với đó, qua triển lãm, cộng đồng đến xem sách, truyện, tranh sẽ có được những hiểu biết bước đầu về chim rẽ mỏ thìa, từ đó có nhiều hành động cụ thể hơn liên quan đến việc bảo tồn các loài chim di cư ở Việt Nam”, tác giả Trang Nguyễn nói.
Và, một năm mới ấm áp, tràn đầy năng lượng đã đến! Kìa rẽ mỏ thìa lại bay về…
“Sau những trưng bày được tổ chức ở The Royal Over-Seas League, London, Manchester School of Art’s Vertical Gallery (Vương quốc Anh) và Hà Nội (Việt Nam), chương 2 của dự án dự kiến thực hiện trong năm 2024. Hy vọng dự án sẽ sớm hoàn thiện để lại di sản nho nhỏ cùng mục đích lớn hơn là lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, bảo tồn, nâng cao ý thức của mọi người về động vật sắp tuyệt chủng như chim rẽ mỏ thìa.
Có thể dù rất vô tình nhưng là một hành động nào đó gây hại cho động vật mà chính mỗi người không biết chính là thông điệp chung các họa sĩ muốn lan tỏa qua tranh” - Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và Bản quyền Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam.