Kỉ niệm 71 năm ngày sinh cố nhà thơ Lưu Quang Vũ: Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất

GD&TĐ - Đêm thơ - nhạc - họa kỷ niệm ngày sinh lần thứ 71 của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ vừa diễn ra tại không gian văn hóa vườn trong phố “Ơ kìa Hà Nội” (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã để lại những ấn tượng và dư vị khó phai. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cùng ê kíp những người yêu mến nhà thơ đã làm nên một sự kiện văn hóa dạt dào cảm xúc.

Rất đông khán giả ngồi đợi đêm thơ trong đó có nhiều bạn trẻ
Rất đông khán giả ngồi đợi đêm thơ trong đó có nhiều bạn trẻ

Người trong cõi nhớ

Quán cafe xinh xắn đúng chất “Vườn trong phố” (tên một bài thơ của Lưu Quang Vũ) mang tên “Ơ kìa Hà Nội” nằm trong con ngõ sâu tít trên đường Hoàng Hoa Thám vừa gây ra một sự kiện tắc đường đáng yêu. Đêm thơ nhạc “Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất” diễn ra với lượng khách tăng đột biến đã khiến không gian Ơ kìa Hà Nội, Thư viện Ơ kìa, Okia Cinema quá tải. Khách yêu thơ, các văn nghệ sĩ không còn chỗ ngồi đã phải đứng tràn cả đường đi lối lại trong ngõ. Hiếm có một sự kiện nào mà người ta lại yên lặng và dành tất cả sự chú ý như bị hút vào diễn biến từng tiết mục như thế.

Đêm thơ nhạc mang tính ngẫu hứng. Những người yêu thơ Lưu Quang Vũ đã hội ngộ để cùng đọc thơ, ngân những câu hát được phổ thơ của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cùng nhớ về nhà thơ mây trắng của cả một thế hệ. Bên cạnh một số giọng đọc chuyên nghiệp, chương trình dành phần lớn thời gian cho những người mê thơ Lưu Quang Vũ trình diễn các bài thơ yêu thích.

Không chỉ có thơ và nhạc, điều độc đáo nhất của sự kiện này chính là góc tái hiện lại những gì gắn bó với cuộc đời Lưu Quang Vũ. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã liên hệ với gia đình để được đến ngôi nhà gắn bó với vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh “tận mục sở thị”, phục dựng căn phòng 6m2 đầy ắp kỷ niệm của gia đình nhà thơ tài hoa tại Ơ kìa Hà Nội. Ngắm nghía, chụp ảnh và lấy tư liệu về căn phòng chỉ rộng có 6m2 của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Nguyễn Hoàng Điệp gấp rút kêu gọi sự hỗ trợ của bạn bè phục dựng. Tại không gian Ơ kìa Hà Nội, chị đã tạo dựng giá sách gồm những cuốn giống như giá sách của hai nhà thơ và sao chụp, lên khung trưng bàycác bản thảo viết tay (gồm thơ, nhật ký, thư gia đình) của Lưu Quang Vũ.

Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mấtlà sự tổng hòa của thơ ca, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, trưng bày - sắp đặt. Cuộc đời của Lưu Quang Vũ được tái hiện qua phim ảnh, qua những vần thơ lay động lòng người, qua âm nhạc khiến khán giả đương thời một lần nữa nhận thấy tầm vóc lớn lao của một tài năng mẫn cảm. “Hà Nội những năm này vẫn còn không gian cho thơ Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, cho những dòng cảm xúc không đồng phục. Chỉ cần bạn có một cảm xúc với thơ”. Đó là những chia sẻ đầy tình cảm của nhà văn Nguyễn Trương Quý về sự kiện phi lợi nhuận này.

Trong lành khung trời mùa hạ

Hoàng Điệp đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của văn nghệ sĩ Hà Nội. Chỉ trong vòng một tuần, tổ tư liệu, tổ mỹ thuật, quay phim được thiết lập để chuẩn bị cho đêm thơ. Đạo diễn Nguyễn Thước đã đem tới bộ phim tài liệu ông làm về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Vợ chồng đạo diễn Nhuệ Giang - Thanh Vân mang đến chiếc ghế gỗ giống với chiếc ghế Lưu Quang Vũ từng ngồi viết kịch và thơ. Nhiều người đóng góp sách cũ để Nguyễn Hoàng Điệp xây dựng không gian mô phỏng căn hộ đầy sách của hai cố thi sĩ. Sau sự kiện này, căn phòng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ở “Ơ kìa Hà Nội” sẽ còn đón rất nhiều người ghé thăm.

Những lá thư tay tràn đầy tình yêu của hai thi sĩ, với những trăn trở rất đỗi đời thường, những lời động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống khiến vợ chồng nghệ sĩ Lan Hương - Đỗ Kỷ đọc thư nghẹn ngào, khán giả cũng rơi lệ. NSND Hoàng Dũng khi đọc thư Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh đã bật khóc vì quá xúc động. Nhạc sĩ Lê Tâm thể hiện ca khúc “Tiếng Việt” phổ thơ Lưu Quang Vũ. Bà Lưu Khánh Thơ, em gái cố nhà thơ chia sẻ về những câu chuyện xung quanh những dị bản khác nhau của một số câu thơ trong các ấn phẩm của Lưu Quang Vũ. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, NSND Hoàng Dũng đã tình nguyện trở thành người đọc thơ để tự mình được cất lên những tiếng thơ yêu thích.

“Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thật tinh tế, thông minh khi kết hợp bài trí không gian kiến trúc cùng với thiết kế không gian nghệ thuật, giữa không gian cây cối xanh tươi và trắng muốt, ngát hương những bình hoa bách hợp, loa kèn tháng Tư. Chính vì vậy những bài thơ Vườn trong phố, Quán café ngoại ô…và tiếng đàn dương cầm thánh thót êm ái vẳng ra từ căn phòng nhỏ mà nhạc sĩ Giáng Son thể hiện càng khiến dư âm của đêm thơ ngưng đọng mãi. Thật hiếm có một sự kiện nào tạo nên một vùng cảm xúc và sự giao cảm tuyệt vời như vậy”, nhà báo Ngọc Diệp bày tỏ cảm nhận của mình.

Nguyễn Hoàng Điệp giãi bày: Thú thật là trong rất nhiều năm mình làm những công việc “lăng nhăng” liên quan đến văn học nghệ thuật rồi nhưng mỗi lần mình làm gì liên quan đến thơ, đêm thơ hay ra mắt sách thơ là mọi người gạt đi “Ôi bây giờ còn ai yêu thơ nữa” và bảo mình hâm quá. Nhưng không ngờ, khi ý tưởng “Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất” đưa ra, mình đang nhiều lo lắng thì mọi việc lại tiến triển khác hẳn… Đến khi sự kiện sắp bắt đầu thì điều lo lắng nhất lại là làm sao đủ chỗ cho mọi người bây giờ? Thật vui sướng và bất ngờ khi có quá nhiều người quan tâm đến sự kiện này”.

Sau 3 tiếng đồng hồ, trước khi kết thúc bữa tiệc thi ca, đạo diễn Hoàng Điệp đã bắt nhịp và tất cả khán giả đồng thanh đọc hai câu thơ “Trên ngày tháng, trên cả niềm cay đắng. Thơ tôi là mây trắng của đời tôi”, như một lời chúc mừng đặc biệt kỷ niệm ngày sinh của cố thi sĩ tài hoa Lưu Quang Vũ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ