Doanh nghiệp thiếu nhân tài
Báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài…
Trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sự thiếu hụt về kỹ năng và các thách thức về giữ chân nhân tài thì cộng đồng nhân tài nữ vẫn tiếp tục mở rộng. Ở Việt Nam, nữ giới chiếm 54% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học.
Ngày càng nhiều phụ nữ ở Việt Nam tham gia và tốt nghiệp các khóa đào tạo ngắn hạn như khóa đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, đào tạo kỹ thuật viên và đào tạo nghề. Từ năm 2000- 2016, tỷ lệ phụ nữ tham gia các chương trình này tăng hơn gấp ba lần từ 16% đến 60%.
“Điều đáng mừng là phụ nữ Việt Nam ngày càng được chuẩn bị tốt hơn để đảm nhận những vị trí ra quyết định trong các doanh nghiệp. Cộng đồng nhân tài vẫn tiếp tục được mở rộng”, bà Valentina Barcucci, chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO, cho biết.
“Trong số những phụ nữ đang tham gia thị trường lao động, 10% đã tốt nghiệp đại học, trong khi tỷ lệ này của nam thanh niên chỉ là 5%. Hiện tỷ lệ phụ nữ trong các ngành Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Toán học (STEM) là 37% và tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên.”
Khảo sát cho thấy, các chủ lao động thường có nhu cầu cao đối với nguồn nhân lực liên quan đến những ngành này. Trong khi đó, ngày càng có nhiều phụ nữ Việt Nam muốn phát triển sự nghiệp và đảm nhận thêm các trọng trách, các vị trí quản lý cấp cao.
Như vậy, trong dài hạn, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ một cộng đồng nhân tài đang ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng.
Báo cáo nghiên cứu “Con đường dẫn đến thành công: Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý tại Việt Nam” nhấn mạnh rằng phụ nữ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Đa dạng giới là một chiến lược kinh doanh thông minh, giúp tăng lợi nhuận và năng suất, tăng khả năng giữ chân nhân tài và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Thu hẹp khoảng cách giới
Báo cáo của ILO cũng chỉ ra sự phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp của phụ nữ Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi định kiến giới. Tỷ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý còn thấp và tỷ lệ này càng ít hơn ở các cấp quản lý cao nhất.
Việt Nam đang thực hiện những thay đổi tích cực, hướng tới giảm bất bình đẳng giới về cơ hội giữa phụ nữ và nam giới trên thị trường lao động.
Bộ Luật Lao động sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đã đánh dấu những bước tiến quan trọng trong việc giảm khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Dự thảo Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 cũng kêu gọi thu hẹp khoảng cách giới trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của người dân.
Ông Andrew Barnes, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: “Ở Việt Nam cũng như ở Australia, việc khai thác được đầy đủ tiềm năng của phụ nữ tham gia vào nền kinh tế có vai trò vô cùng lớn đối với tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, chúng ta phải duy trì cam kết về bình đẳng giới tại nơi làm việc”.
Bà Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO, cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp đã rất sẵn sàng thu hẹp khoảng cách giới trong đội ngũ lãnh đạo của mình, họ không thể đơn phương thực hiện điều đó. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất cần phải biến những dữ kiện và phát hiện của báo cáo này thành hành động cụ thể.