Khuyến nghị đưa GD giới tính thành nội dung bắt buộc trong trường phổ thông

Khuyến nghị đưa GD giới tính thành nội dung bắt buộc trong trường phổ thông

(GD&TĐ)-Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên và tập huấn kế hoạch tổ chức triển lãm về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên được tổ chức sáng nay (4/12) tại Hà Nội.

vcvcc
Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên. Ảnh: gdtd.vn

Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý; Trưởng Đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam - bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng Unesco tại Việt Nam; các chuyên gia tư vấn quốc tế; đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội và  đại diện 7 sở HD&ĐT khu vực phía Bắc...

Tại hội thảo, báo cáo kết quả nghiên cứu về tình dục vị thành niên và giáo dục tình dục trên các đối tượng độ tuổi từ 14 đến 24 của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số đã đưa ra những con số rất cụ thể về kiến thức cũng như thái độ của thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia khảo sát đối với tình yêu và tình dục, trong đó có tình dục tiền hôn nhân; sự an toàn trong hẹn hò; vấn đề mang thai, HIV và tình dục an toàn; kiến thức về lây truyền và phòng chống HIV/AIDS; thái độ và sự hiểu biết của những đối tượng này đối với bao cao su, thuốc tránh thai nói riêng và sử dụng các biện pháp tránh thai nói chung; Sự tự chủ của vị thành niên trong việc lựa chọn hành vi tình dục; sự chia sẻ về tình yêu, tình dục đối với phụ huynh, giáo viên cũng như bạn bè; các yếu tố về môi trường ảnh hưởng đến thực tiễn tình dục của vị thành niên...

Khuyến nghị từ nghiên cứu này đưa ra là, giáo dục giới tính phải được đưa thành một nội dung bắt buộc của chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, việc giảng dạy nội dung này cần được bắt đầu trước khi học sinh nữ và học sinh nam bước vào giai đoạn dậy thì. Nội dung giáo dục giới tính không nên bắt đầu bằng hậu quả của tình yêu và tình dục mà thay vào đó là chú trọng đến sức khỏe giới tính lành mạnh. Giáo dục giới tính cần phải là một quá trình liên tục và tổng thể chứ không phải là các phần riêng lẻ, độc lập. Bên cạnh đó, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường cần được thảo luận với cả phụ huynh để họ có thể hỗ trợ hiệu quả trong quy trình này....

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý cho biết, Bộ GD&ĐT đã chủ động từng bước đưa nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS vào Chỉ thị năm học và chỉ đạo toàn Ngành theo từng năm học thông qua các công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học về giáo dục thể chất và y tế trường học.

Kiến thức về giới và sức khỏe sinh sản không chỉ được phổ biến, tuyên truyền trong các hoạt động giảng dạy trong nhà trường; các hoạt động ngoại khoá; thông tin, phát thanh, phổ biến dưới cờ mà còn được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho các em học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động của các phong trào thi đua “Trường học thân thiện - học sinh tích cực”; phong trào “Hai không”. Các báo, tạp chí của ngành đã có hàng chục triệu trang chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản, cung cấp kịp thời các thông tin bổ ích cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản đến cán bộ, giáo viên các trường học trên khắp mọi miền đất nước.

Để tăng cường vấn đề giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trong nhà trường, Thứ trưởng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về giáo dục sức khỏe sinh sản, giới tính; truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục. Hoàn thiện cơ sở pháp lý thông quan việc nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Kiện toàn bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới tại các cơ sở.

Cùng với đó, xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược về bình đẳng giới; tăng cường hoạt động của hệ thống các Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là thực hiện Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân ngày 4/1/2012 giao Bộ GD&ĐT nghiên cứu đưa nội dung mất cân bằng giới tính khi sinh, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông.

Thứ trưởng Trần Quang Quý cũng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học, hoạt động ngoại khoá về giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS. Chú trọng phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong giáo dục sức khỏe sinh sản, giới, giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, phòng, chống HIV/AIDS; chống kỳ thị và phân biệt đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; đảm bảo an toàn, thân thiện trong các dịch vụ y tế trong các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát và tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục giới tính, truyền thông về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục phòng, chống HIV/AIDS...

Tại hội thảo, thông tin tổ chức triển lãm về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên cũng được công bố.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.