Khuyến nghị của UNICEF với Bộ Luật Lao động sửa đổi

GD&TĐ - Một trong những khuyến nghị của UNICEF với Bộ Luật Lao động sửa đổi, nội dung liên quan đền người chưa thành niên, chính là “Tạo nơi làm việc an toàn và hòa nhập cho mọi lao động chưa thành niên".  

Ảnh: Tổ chức UNECEF Việt Nam
Ảnh: Tổ chức UNECEF Việt Nam

Theo các nghiên cứu quốc tế, tình trạng trẻ lao động Việt Nam phải tiếp xúc với các điều kiện nguy hiểm đang ở mức báo động: 43% trẻ lao động từ 5 – 14 tuổi phải đối mặt với các điều kiện nguy hiểm tại nơi làm việc và tỷ lệ này ở nhóm trẻ lao động từ 15 – 17 tuổi thậm chí còn cao hơn (51%).

Theo phân tích của UNICEF, Bộ Luật Lao động hiện hành chưa đảm bảo tuân thủ theo các chuẩn mực và tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền liên quan tới các quy định về cấm phân biệt đối xử trong công việc vì bất cứ lý do gì bao gồm cả tuổi tác và xu hướng tình dục. Bộ Luật Lao động cũng cần tiếp tục bổ sung các quy định để đảm bảo an toàn cho người lao động chưa thành niên.

Theo Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật Việt Nam phải đảm bảo việc làm dễ tiếp cận và hòa nhập. Tuy vậy nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng cả người lớn và thanh thiếu niên khuyết tật ở Việt Nam hiện vẫn đang bị phân biệt đối xử đáng kể trong quá trình tìm kiếm một việc làm có ý nghĩa. Tình trạng phân biệt đối xử này không chỉ xuất hiện ở một nhóm thanh thiếu niên.

Trên thực tế, trẻ vị thành niên (cả nam và nữ) là người di cư hoặc đồng tính nữ/đồng tính nam/lưỡng tính/chuyển giới cũng gặp phải sự phân biệt đối xử trong thị trường lao động và phải chịu đựng sự kỳ thị của xã hội.

Bộ Luật Lao động đã đề cập đến việc cấm phân biệt đối xử trên nhiều phương diện nhưng vẫn cần phải bổ sung quy định liên quan tới mức lương bình đẳng cho cùng một công việc, không kể tuổi tác, giới tính hay tình trạng khuyết tật.

Đồng thời cần loại bỏ quy định lỗi thời giới hạn “sức khỏe” của người lao động khiến người khuyết tật hoặc cả nhóm thanh thiếu niên khác bị phân biệt đối xử một cách bất công.

Vấn đề an toàn lao động đối với người chưa thành niên là mối quan tâm lớn đã được thừa nhận. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam vào năm 2017 trên 900 lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và tại một số làng nghề, việc giữ gìn sức khỏe và an toàn lao động không phải là ưu tiên chính cho các em.

Nghiên cứu cho thấy chỉ có 12% lao động thủ công và gần như không có lao động nông nghiệp – là những người không được ký hợp đồng chính thức – được trang bị kiến thức về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Nhiều lao động trẻ được phỏng vấn cho biết: Họ ngại trình báo tai nạn lao động với chủ sử dụng lao động.

Tình trạng phần lớn trẻ lao động làm nông nghiệp là mối quan tâm đặc biệt vì lĩnh vực này được xem là một trong ba lĩnh vực nguy hiểm nhất mà dù ở lứa tuổi nào, trẻ em cũng phải đối mặt với vô số hiểm họa như điều khiển máy móc nguy hiểm, đối mặt với thuốc trừ sâu và mang vác nặng.

UNICEF khuyến nghị Bộ Luật Lao động sửa đổi cần bổ sung quy định cấm mọi hình thức phân biệt đối xử sao cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền trẻ em. Bộ Luật Lao động sửa đổi cũng cần xem xét bổ sung quy định đảm bảo mức lương công bằng cho những công việc tương tự và yêu cầu đào tạo bắt buộc về an toàn lao động cho người chưa thành niên.
Theo Tổ chức UNICEF Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ