Đồng thời đưa ra những khuyến nghị về tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan và chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ khi làm việc tại nước ngoài.
Hoàn thiện công cụ pháp lý
Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết, trong những năm gần đây trong tổng số 80.000 - 100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, có khoảng 30% là nữ. Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm các ngành nghề gắn chặt với nữ giới như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, công nhân điện tử, công nhân may, hộ lý, điều dưỡng….
Số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình, phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương. Việc bảo vệ quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được coi trọng, đặc biệt là lao động nữ vì đây là đối tượng yếu thế, dễ bị lợi dụng, nhất là khi đi làm việc ở nước ngoài.
Theo bà Nguyễn Kim Lan, điều phối viên UN Women, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối sử chống phụ nữ (CEDAW) năm 1982 và từ đó Việt Nam cam kết thực hiện những hoạt động nhằm thúc đẩy lĩnh vực bình đẳng giới trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Năm 2006, Luật Bình đẳng giới và Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Quốc hội thông qua.
Bà Kim Lan cho rằng, một trong những nguyên tắc cơ bản quy định trong Luật Bình đẳng giới là bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Nhưng do 2 bộ luật này ra đời song song với nhau nên có một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa theo kịp nguyên tắc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Thúc đẩy bình đẳng giới
Di cư lao động đang trở thành một xu hướng phổ biến. Hiện nay trên toàn cầu có 232 triệu người di cư, trong đó phụ nữ chiếm 49%. Ở Việt Nam, có 500.000 lao động làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 30 - 35% là lao động nữ.
Nhằm bảo vệ lao động di cư và thúc đẩy bình đẳng giới, các chuyên gia lao động đã đưa ra một số khuyến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể như:
Cần quy định rõ vai trò của các cơ quan chức năng của Nhà nước trong đảm bảo quyền tiếp cận thông tin liên quan đến quá trình đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, đặc biệt của lao động nữ;
Quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bao gồm cả Ban quản lý lao động trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
Quy định nâng cao trách nhiệm và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mở rộng các loại hình việc làm phi truyền thống đối với phụ nữ và nam giới trong quá trình đàm phán các hợp đồng cung ứng lao động;
Đẩy mạnh chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động cần đặc biệt chú trọng phổ biến cách thức phản ánh tình trạng quyền và lợi ích của người lao động khi bị vi phạm và quy trình bảo vệ họ, cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về các khoản cấu thành nên tổng chi phí đi xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật và những chính sách đối với người lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước.