Bức tranh mới về việc làm - dạy nghề

GD&TĐ - Hoạt động phát triển chiến lược Thanh niên, nâng cao chất lượng lao động trẻ thời gian qua được xã hội đánh giá cao. Trong đó, ghi nhận vai trò tích cực của đào tạo nghề.

Đào tạo nghề đang góp phần tích cực nâng cao chất lượng nhân lực
Đào tạo nghề đang góp phần tích cực nâng cao chất lượng nhân lực

Giáo dục nghề nghiệp đạt 107%

Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, bức tranh tổng thể về việc làm rất tốt. Việt Nam đang là một trong 20 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, chỉ với 2,2%. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp giảm. Tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu lao động tương đối nhanh, hiện nay chỉ còn hơn 35% là lao động nông nghiệp.

Bình quân mỗi năm cả nước có khoảng 140.000 người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Việt Nam cũng đang hướng tới những thị trường tốt, hạn chế thị trường rủi ro, công việc rủi ro. Mở ra những lĩnh vực mới theo tinh thần cùng hợp tác đào tạo, tuyển dụng để sau này người lao động quay trở về có thể phát triển được ở trong nước.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Tại Bộ luật Lao động, vấn đề đào tạo nghề đã được gắn với vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, người chủ sử dụng lao động. Các chính sách pháp luật đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh. Ngoài ra, những chính sách liên quan cho vay vốn thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, hỗ trợ thanh niên huyện nghèo 30a, thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài cũng được ưu tiên.

Thời gian qua, đào tạo nghề đạt 107% chỉ tiêu đề ra, để đạt được kết quả trên, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp với 10 giải pháp căn bản. Trong đó có 3 giải pháp đột phá là: Tự chủ cơ sở; Kết nối doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đầu ra, đơn đặt hàng; Chuẩn hóa về giáo trình, chương trình, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đến nay cả nước đã có 25 trường đào tạo theo chương trình chuẩn của Úc; 45 trường chất lượng cao đào tạo theo chuẩn của Đức. Sinh viên ra trường đồng thời có 2 bằng để có thể tham gia thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Tệ nạn xã hội đang là một vấn đề lo lắng trong thanh niên
Tệ nạn xã hội đang là một vấn đề lo lắng trong thanh niên 

Giải quyết những vấn đề xã hội

Bên cạnh sự chuyển biến tích cực, thực tế cũng cho thấy những vấn đề đáng lo ngại nổi lên. Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, tỷ lệ thanh niên tham gia vào đội ngũ lực lượng lao động giảm. Nếu năm 2011 có khoảng 1,2 triệu người tham gia vào thị trường lao động thì hiện nay con số này là 400 nghìn người. Cùng với đó, khu vực nông thôn đang bị già hóa và phụ nữ hóa.

Sự phát triển về tầm vóc thanh niên còn chậm so với các quốc gia. Quy mô phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ còn thấp so với tỷ lệ lao động; Cơ cấu nhân lực bất hợp lý.

Vấn đề lo lắng nhất trong thanh niên hiện nay, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là tình trạng thanh niên nghiện ma túy. Trong số 39.000 người đang cai tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc thì 43% có tiền án tiền sự, trên 80% là nghiện ma túy tổng hợp, không có khả năng điều khiển hành vi. Đây là những vấn đề rất nhức nhối trong thanh niên. Bên cạnh đó là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Tình trạng trẻ em và thanh niên tự kỷ gia tăng… Do đó, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và phát triển thị trường lao động lành mạnh, trong đó dự báo được cung cầu lao động.

Ông Lê Quốc Phong Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo để đạt được các chỉ tiêu trong Chiến lược thanh niên giai đoạn 2011-2020 với nhiều mô hình mới. Đồng thời, quan tâm đến việc làm cho thanh niên trong đó có vấn đề về thị trường lao động, thông tin kịp thời tới thanh niên về nhu cầu lao động của xã hội; Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tăng khả năng sức cạnh tranh của lao động Việt Nam;…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.