Do vậy, mỗi cá nhân, dòng họ có sự thay đổi để bắt kịp yêu cầu của kỷ nguyên số.
Bắt nhịp làn sóng giáo dục mới
Nam Định hiện có trên 450.000 gia đình đăng ký gia đình học tập, 4.600 dòng họ đăng ký mô hình dòng họ học tập, 3.500 thôn, làng, tổ dân phố đăng ký cộng đồng học tập. Các phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” được triển khai rộng khắp ở tất cả thôn, làng, tổ dân phố.
Ông Triệu Hữu Thiểm - đại diện dòng họ Triệu ở làng Trí An (xã Nam Hoa, huyện Nam Trực) cho biết: Hằng năm, Ban khuyến học dòng họ đều tổ chức tuyên dương khen thưởng, động viên, nêu gương những người học tốt, đạt kết quả cao trong học tập để con em trong họ noi theo. Ban khuyến học dòng họ quán triệt từng gia đình, từng thành viên trong họ quan tâm giáo dục con cháu tu dưỡng, tích cực học tập, học giỏi.
Dòng họ Triệu không chỉ quan tâm tới việc học tập của con cháu mà còn coi trọng việc học của người lớn với nhiều hình thức như: Học ngoại ngữ, tin học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Dòng họ khuyến khích các nhân, gia đình tham gia lớp học nghề như mây tre đan, móc len, thêu ren, điện dân dụng, kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt… để phục vụ công việc và cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Tại xã Đồng Liên (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), dòng họ Hoàng có hơn 700 hộ gia đình, hơn 1.700 nhân khẩu. Với truyền thống hiếu học, dòng họ luôn chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài. Hằng năm, các gia đình trong dòng họ đều được quán triệt quy ước học tập của dòng họ. Đến cuối năm, dòng họ họp mặt, tổng kết và khen thưởng cho những người đạt thành tích cao trong học tập.
Ông Hoàng Việt Dũng - Trưởng dòng họ Hoàng ở xã Đồng Liên cho hay: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống hiếu học, phối hợp với các gia đình chăm lo cho con cháu học hành, hằng năm, Ban khuyến học dòng họ còn huy động các gia đình có điều kiện kinh tế giúp đỡ cho học sinh nghèo. Đối với các hộ gia đình nghèo thì hỗ trợ vốn để sản xuất, làm ăn...
Ban Khuyến học dòng họ đã tuyên truyền, động viên người lớn trong dòng họ tích cực tham gia học tập theo phương châm “cần gì học nấy” như: Sinh hoạt trong trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện văn hóa của khu, tự học trên ti vi, qua mạng Internet, giao lưu, tham quan, du lịch, tủ sách dòng họ. Đặc biệt, các kiến thức được học luôn cập nhật với yêu cầu mới, chú trọng đến ngoại ngữ, tin học.
Thích ứng với chuyển đổi số
Đánh giá về ý nghĩa của chương trình Xây dựng xã hội học tập, GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam cho biết: Việc xây dựng xã hội học tập đã khuyến khích phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị. Các gia đình đã tích cực lao động, phát triển kinh tế, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Trong thời đại ngày nay, những khát vọng hiểu biết của con người dễ dàng hơn nhờ các thiết bị công nghệ số. Có nhiều diễn đàn được lập ra cho từng lĩnh vực, lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tổ chức dạy học ngày càng được chú trọng. Các lớp học trực tuyến đã và đang trở thành làn sóng giáo dục mới.
Do đó, chúng ta cần biết sử dụng những lợi thế và hạn chế những nhược điểm từ Internet và các thiết bị công nghệ số để có thể đạt kết quả tốt nhất trong học tập và làm việc. Cần triển khai chương trình học tập trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở hữu ích.
Theo GS Phạm Tất Dong, trong giai đoạn tới, việc xây dựng xã hội học tập có nhiều thay đổi. Trong đó “giáo dục số”, “chuyển đổi số”, là nhiệm vụ, mục tiêu mà xã hội học tập ở giai đoạn tới cần đạt được, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. Xã hội sẽ hình thành mô hình công dân học tập có những năng lực cần thiết để xây dựng nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao.
Cần xây dựng hệ thống giáo dục mở với những cơ chế, chính sách vận hành và hành lang pháp lý bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng giáo dục, có được cơ hội và điều kiện học tập suốt đời. Hệ thống trường lớp, cơ sở GD&ĐT hoạt động trong môi trường số được nhân rộng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GDĐT, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng: Việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021 - 2030, nếu không đặt nặng vấn đề chuyển đổi số mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất sẽ rất vất vả mới có thể thành công và khó theo kịp sự phát triển của thời đại mới.