Nhóm nghiên cứu giải pháp triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt (Viện Phát triển Giáo dục và Văn hóa Việt Nam) – Trưởng nhóm nghiên cứu, đã cũng các cộng sự dày công nghiên cứu để đưa ra những luận chứng làm rõ sự cần thiết phải có một khung trình độ quốc gia Việt Nam, đặc biệt trong đó với những yêu cầu cụ thể, chi tiết cho mỗi bậc học, từ yêu cầu về khối lượng học tập tối thiểu đến miêu tả khái quát về kiến thức và kỹ năng cần đạt được.
Vấn đề thể chế hóa
- Thưa ông, Khung trình độ quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt, nội dung rất chi tiết và cụ thể. Từ thực tế hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam hiện nay, tham chiếu với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, theo ông chúng ta cần phải làm gì để hiện thực hóa các nội dung này?
Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt: Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Quyết định 1981) và Khung trình độ quốc gia (Quyết định 1982) thực ra không hoàn toàn vênh nhau mà là theo hình thức biểu đạt do một bên thể hiện số năm đào tạo theo cấp học tức là tiếp cận thời gian (xin nhấn mạnh thời gian chứ không phải thời lượng) và một bên thể hiện chuẩn đầu ra với đòi hỏi tải trọng học tập để đạt chuẩn đầu ra đó mặc dù nội dung cả 2 văn bản cũng còn hạn chế nhất định cần hoàn thiện thêm sau khi có nghiên cứu triển khai và đánh giá tổng kết thực tiễn như đã nói ở trên.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân xác định cấp học với số năm đào tạo các trình độ tương ứng từ 3 - 5 năm đại học, 1 - 2 năm thạc sĩ và 3 - 4 năm tiến sĩ, không đề cập từ nào đến khối lượng học tập theo tín chỉ cả. Thực ra, người học có thể học trong khoảng thời gian có thể khác nhau tùy vào điều kiện bảo đảm, hoàn cảnh, nhịp độ cũng như phương thức đào tạo… miễn là đạt yêu cầu chuẩn đầu ra tối thiểu với mô tả bậc trình độ tương ứng.
Cần lưu ý rằng, khối lượng học tập ở mức một người học trung bình trong điều kiện bình thường phải đạt chuẩn đầu ra mới là điểm cần lưu ý để tránh tranh cãi những vấn đề về thời gian và thời lượng đào tạo. Trong luật chỉ cần đưa thời lượng - khối lượng học tập là được, có cần phải quy định số năm (theo kiểu niên chế) đào tạo của giáo dục đại học không hay là để văn bản dưới luật về Quy chế đào tạo chẳng hạn? Vấn đề còn lại chỉ là với ngành đào tạo đặc thù. Nên chăng cần chỉ rõ trong luật là những ngành nào là đặc thù và có những khoản quy định riêng.
Thời gian đào tạo đại học tính bằng năm học quy đổi tương đương tập trung (như trong Quyết định 1981) chỉ là quy ước và thể hiện mức tối thiểu về thời gian mà người học cần đầu tư cho việc hoàn thành một chương trình. Thời gian này không mang tính bắt buộc. Cần lấy quy chuẩn theo tín chỉ của Khung trình độ quốc gia (Quyết định 1982) làm căn cứ xem xét công nhận chương trình và văn bằng/chứng chỉ.
Vấn đề thể chế hóa Khung trình độ quốc gia Việt Nam, trước hết, cần được giải quyết đồng bộ bởi cả 3 văn bản luật là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần bổ sung sự cần thiết vào 8 bậc của Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Các nội dung về bảo đảm chất lượng, đánh giá và công nhận trình độ đào tạo cũng cần thể hiện rõ về các nguyên tắc, tiêu chí theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và trách nhiệm của cơ quan quốc gia có vai trò quản lý, bảo đảm chất lượng văn bằng và trình độ đào tạo.
|
Nhìn ra khu vực và thế giới
- Từ thực tế GD-ĐT và dạy nghề ở Việt Nam hiện nay, so sánh và đối chiếu với khu vực và thế giới ta có những ưu, nhược điểm gì, cần phải làm gì để phù hợp với xu thế chung, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Quang Việt: Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED là khung tiêu chuẩn do UNESCO thông qua Viện Thống kê xây dựng được sử dụng để phân loại và báo cáo thống kê giáo dục so sánh xuyên quốc gia (quốc gia và quốc tế). Khi phân loại các chương trình giáo dục theo ISCED thì những điểm chuyển tiếp giữa chương trình quốc gia và điểm gia nhập thị trường lao động không phải lúc nào cũng trùng với điểm chuyển tiếp giữa các cấp bậc ISCED. Có chương trình kết nối hai bậc ISCED trở lên, có nhiều chương trình cùng tạo nên một bậc ISCED, có chương trình không xác định rõ ràng thứ bậc nào.
Đây là điểm cần lưu ý khi tham chiếu đến khung phân loại ISCED để thấy rằng mục đích thúc đẩy thu thập và sử dụng dữ liệu giáo dục so sánh được theo những tiêu chí nhất định mang tính phổ biến, song cũng thừa nhận bối cảnh riêng biệt của mỗi quốc gia có thể yêu cầu linh hoạt về xác định thời gian theo cấp bậc chương trình. Cái chính khi đối chiếu phân loại quốc tế là nội dung của chương trình. Về cơ bản, các trình độ giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam không chỉ tương thích với Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF) về cơ cấu và chuẩn đầu ra, mà cũng phù hợp với ISCED trong cách tiếp cận về phân loại chương trình và bậc.
Tôi cho rằng liên thông cần được vận dụng như một cơ chế thỏa thuận giữa các cơ sở đào tạo trên nền chính sách chung về công nhận kết quả học tập của người học, chuẩn đầu ra của các chương trình và đảm bảo chất lượng của các trình độ.
Do vậy, cần lấy Khung trình độ quốc gia Việt Nam làm chuẩn mực để rà soát, thiết kế lại các chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực hành nghề và bảo đảm liên thông cho tất cả người học. Điều này cũng thể hiện tính chất mở và linh hoạt của hệ thống giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
- Xin cám ơn ông!
Trong cuộc tọa đàm: “Chính sách Phát triển và Thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam”, do Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 24/2/2017, bà Stirling Wood, chuyên gia về Khung trình độ quốc gia từ Vương quốc Anh, chia sẻ việc thực hiện Khung trình độ quốc gia ở cấp dạy nghề trải qua ba giai đoạn tại Anh.
Trong giai đoạn đầu tiên, sau khi Khung trình độ quốc gia được thông qua về mặt chính sách, các cơ quan kiểm soát và kiểm định sẽ lập ra các tiêu chí kiểm định để các tổ chức cấp bằng hiểu và nắm vững.
Trong giai đoạn hai, các tổ chức cấp bằng phối hợp cùng các trường và đơn vị đào tạo, tổ chức ngành nghề và các doanh nghiệp phát triển bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề và bằng cấp tương ứng. Chuẩn đầu ra này được trình lên các tổ chức kiểm định phê duyệt và công nhận.
Trong giai đoạn ba, các cơ quan kiểm định sẽ liên tục thanh tra chất lượng để đảm bảo các tổ chức cấp bằng hoạt động hiệu quả nhất. Trong quá trình thanh tra này, các cơ quan kiểm định sẽ phải điều chỉnh chuẩn đầu ra để đảm bảo chuẩn này vận hành theo yêu cầu thực tế, thay vì cố định qua thời gian. Chuẩn đầu ra sau khi được điều chỉnh và cập nhật lại quay trở lại cơ quan kiểm định để thông qua trước khi đưa vào thực hiện.