Việc phát hiện loài bò sát ăn thịt có tên Teleocrater rhadinus, nặng 9 - 30 kg, dài 2 - 3 mét, có cổ dài và đuôi, sống cách đây khoảng 245 triệu năm trong kỷ Trias, giúp các nhà khoa học lấp đầy khoảng trống trên thang tiến hóa, Live Science trích nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature.
Nghiên cứu mới dựa trên phát hiện ít nhất ba mẫu vật của loài T. rhadinus tại Tanzania vào năm 2015 trong tình trạng bảo quản tốt với các mắt cá chân và các phần hộp sọ của con vật.
Nhiều nhà nghiên cứu từng phỏng đoán sinh vật này sẽ là loài giống khủng long, có hai chân. "Một trong những điều ngạc nhiên là mắt cá chân của nó trông giống của một con cá sấu hơn là của một con khủng long hay chim", Sterling Nesbitt, phó giáo sư trợ giảng môn khoa học địa chất tại Đại học Công nghệ Virginia, Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho hay.
T. rhadinus lần đầu tiên được nhà cổ sinh vật học F. Rex Parrington phát hiện ở Tanzania năm 1933. Trong những năm 1950, Alan Charig, cựu nhân viên phụ trách hóa thạch bò sát, lưỡng cư và chim ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, đã nghiên cứu và đặt tên loài này là T. rhadinus song không công bố nghiên cứu.
T. rhadinus không phải là tổ tiên trực tiếp của khủng long song là họ hàng sớm nhất của khủng long được giới khoa học biết đến trên thang tiến hóa. Loài khủng long đầu tiên được giới khoa học biết đến xuất hiện vào khoảng 231 triệu trước.