Khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 17/10, bệnh viện Al-Ahli ở Gaza bị tập kích. Ước tính, ít nhất 500 người đã thiệt mạng, hầu hết là người sơ tán.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tội ác này đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, đồng thời, đẩy Dải Gaza vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất hiện nay.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh viện Al-Ahli không chỉ cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế mà còn là nơi trú ẩn của người sơ tán mắc kẹt ở Gaza. Khi bệnh viện bị tập kích, nhiều bệnh nhân lẫn dân thường đã bỏ mạng, số khác rơi vào tình trạng nguy kịch và thiếu nguồn lực cơ bản như thực phẩm, nước uống...

“WHO kêu gọi lập tức kích hoạt sự bảo vệ dành cho dân thường và cơ sở y tế. Cần đảo ngược lệnh sơ tán. Luật nhân đạo quốc tế cần được tuân thủ, trong đó các cơ sở y tế được chủ động bảo vệ và không bị nhắm đến”, WHO nêu quan điểm.

Cao ủy về nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk lên án vụ tập kích, coi đây là “hành động không thể chấp nhận được” và khẳng định bệnh viện là nơi bất khả xâm phạm. Còn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ “kinh hoàng” trước cuộc tấn công.

Trong khi đó, lãnh đạo nhiều quốc gia cũng tỏ rõ thái độ trước vụ tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông “phẫn nộ và đau buồn sâu sắc”, đồng thời nhấn mạnh Mỹ kiên quyết ủng hộ bảo vệ sinh mạng dân thường trong xung đột. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị làm sáng tỏ tất cả thông tin liên quan đến sự việc. Người đứng đầu nước Pháp cũng kêu gọi mở lối chuyển hàng viện trợ cho Dải Gaza.

Vụ tấn công vào bệnh viện là “giọt nước tràn ly” nêu bật khủng hoảng nhân đạo tại Gaza khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra. Gần 2,3 triệu người sinh sống ở khu vực này bị đẩy vào tình cảnh tuyệt vọng.

Họ không được tiếp cận với lương thực, nước uống hay nhiên liệu. Nhà cửa bị phá huỷ và nhiều người rơi vào tình cảnh “màn trời chiếu đất”, đối diện nguy hiểm từ bom và tên lửa.

Theo ước tính từ Liên Hợp Quốc, hơn một triệu người đã rời bỏ nhà cửa ở phía Bắc Gaza sau lệnh sơn tán của Israel. Tuy nhiên, trên thực tế dân thường không có nơi nào để đi, tìm nước uống, thực phẩm hay thoát khỏi khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra. Vì vậy, việc sơ tán dân thường trong bối cảnh khu vực này bị phong tỏa vì giao tranh là điều vô cùng nguy hiểm và bất khả thi.

Dải Gaza là một trong những vùng đất nghèo nhất thế giới. Trước khi xung đột xảy ra, theo Cơ quan Cứu trợ và Việc làm Liên Hợp Quốc, cứ 5 người dân ở Gaza thì có 3 người không được đảm bảo an ninh lương thực, nghĩa là không được tiếp cận thường xuyên với nguồn thực phẩm lành mạnh. Khu vực này cũng thiếu cơ sở hạ tầng và nguồn lực chăm sóc y tế, giáo dục.

Nhân đạo vốn là thách thức trong khu vực, nay càng trở nên cấp bách hơn khi chiến sự leo thang. Giải quyết khủng hoảng nhân đạo tại Dải Gaza không chỉ là nhiệm vụ của các quốc gia trong khu vực mà của toàn thế giới.

Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của các quốc gia là xoa dịu tình hình căng thẳng và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ quy tắc chiến tranh, mở hành lang nhân đạo cho dân thường; đồng thời, hỗ trợ nguồn cung cấp nhân đạo cần thiết cho người dân.

Bên cạnh đó là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tối đa cho các tổ chức quốc tế, nổi bật là Liên Hợp Quốc. Thách thức lớn nhất hiện nay của tổ chức này là thiếu nguồn kinh phí.

Năm 2023, Liên Hợp Quốc huy động hơn 55 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo toàn cầu nhưng tính đến tháng 9 vừa qua, các khoản tài trợ mới chỉ đáp ứng được chưa đến 30% nhu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ