Kể từ tháng 2, Moritomo Gakuen tiếp tục trở thành chủ đề gây tranh cãi do nghi vấn mua được đất công giá rẻ để xây trường học. Các thông tin cho rằng các nghị sĩ trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã can thiệp vào thương vụ này.
Gia đình Thủ tướng Abe vướng bê bối
Nhờ sự can thiệp, tập đoàn mua được mảnh đất gần 8.800 m2 ở Osaka với giá khoảng 800 triệu yen dù chính quyền định giá là 956 triệu yen.
Bê bối lần này liên quan đến gia đình Thủ tướng Shinzo Abe. Trong một phát biểu tuần trước, chủ tịch của Moritomo Gakuen nói phu nhân Akie Abe từng đưa cho ông này một phong bì, bên trong là 1 triệu yen được cho là tiền quyên góp của Thủ tướng Abe.
Lãnh đạo tập đoàn Moritomo Gakuen trong cuộc họp báo tuần trước. Ảnh: JT.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Inada, người phụ nữ được ông Abe nhắm sẵn để “thừa kế” chức thủ tướng, đang đối mặt với hàng loạt lời kêu gọi từ chức.
Nguyên nhân là bà nói sai sự thật về việc chưa từng là luật sư đại diện cho tập đoàn Moritomo Gakuen. Trên thực tế, bà từng bảo vệ cho tập đoàn tại phiên tòa hồi năm 2014. Sau này, bà Inada thừa nhận chuyện đã xảy ra và xin lỗi trước quốc hội với lý do “bị quên”.
Những người phụ nữ nổi bật thường là tâm điểm chú ý ở Nhật Bản. Nước này đứng ở vị trí rất thấp xét về tỷ lệ phụ nữ tham gia chính quyền và quốc hội trong nhóm các nền công nghiệp phát triển. Do vậy, bê bối liên quan đến tập đoàn Moritomo Gakuen càng tạo cớ cho những tiếng nói chỉ trích, chống đối phu nhân Abe và bà Indada.
Phu nhân Abe có thực sự thúc đẩy nữ quyền?
Ông Jiro Yamaguichi, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hosei, nói chủ trương bình đẳng giới của Thủ tướng Abe “khá nông”. “Dù phu nhân Abe thỉnh thoảng tham gia các sự kiện thúc đẩy vai trò sáng tạo của phụ nữ hoặc cân bằng công việc - gia đình, bà không thực sự thúc đẩy những thay đổi thực chất và mang tính hệ thống”.
Gia đình Thủ tướng Abe gặp vợ chồng Tổng thống Trump trong chuyến công du Mỹ đầu năm nay. Ảnh: AP.
Ngoài những sự kiện trong nước, phu nhân Abe tham gia nhiều sự kiện tầm quốc tế như ủng hộ các dự án cho nữ giới ở Iran, người bảo hộ cho Đại học châu Á vì Phụ nữ ở Bangladesh. Trong cuốn hồi ký “Tôi sống cuộc đời của chính mình”, bà Abe nhấn mạnh sự ủng hộ với nỗ lực của chồng nhằm tạo ra một xã hội mà “phụ nữ có thể tỏa sáng”. Trong sách, bà viết “phụ nữ không cần làm những việc như đàn ông”.
Giới truyền thông Nhật Bản từng gọi bà Abe là “thủ lĩnh đối lập ở nhà” của thủ tướng Abe. Bởi vì bà bày tỏ nhiều quan điểm tiến bộ những vấn đề như quyền lợi người đồng tính, năng lượng hạt nhân, các dự án nữ quyền…
Tuy nhiên, việc phát hiện ra mối liên hệ giữa bà Abe với tập đoàn Moritomo Gakuen ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của bà.
Khi phát biểu để bảo vệ cho vợ, Thủ tướng Abe khẳng định bà Abe chưa từng trao tiền cho tập đoàn và họ cũng không liên quan đến kế hoạch bán đất công cho các tổ chức tư nhân xây trường học.
Morotomo Gakuen đã quyết định sẽ không tiếp tục việc xây trường và hoàn trả lại khu đất đã mua cho chính phủ. Ông Kagoike dự kiến sẽ ra điều trần trước quốc hội vào ngày 23/3.
Hoài nghi năng lực nữ bộ trưởng quốc phòng
Với những người phụ nữ muốn tăng cường sự hiện diện của nữ giới trong nhà nước, họ bày tỏ sự thất vọng với bà Inada.
“Bà ấy là một người chống lại phong trào nữ quyền”, Mari Miura, giáo sư tại Đại học Sophia, nói. Bình luận này dựa trên cơ sở đương kim bộ trưởng quốc phòng Nhật đang là thành viên một nhóm bảo thủ cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà.
Theo Miura, bà Inada cũng làm ngơ trước lời kêu gọi thúc đẩy một dự luật cho phép phụ nữ được sử dụng tên khác với họ của nhà chồng sau khi kết hôn.
Chủ đề thời trang của bộ trưởng quốc phòng được bàn tán bên cạnh năng lực của bà. Ảnh: Reuters.
“Việc ông Abe hậu thuẫn bà Inada vì bà ấy cùng theo chủ nghĩa xem xét lại, rằng Nhật Bản bị buộc tội không công bằng trong nạn diệt chủng xảy ra vào Thế chiến 2. Cách ông Abe bổ nhiệm nữ giới chỉ mang tính biểu tượng nhằm làm đẹp lòng các phong trào, chứ không thực sự tạo điều kiện để phụ nữ nắm quyền”.
Bà Inada là một trong 3 phụ nữ đảm nhận các chức vụ trong chính quyền ở Nhật Bản từ mùa hè năm ngoái. Tuy nhiên, ngay từ khoảnh khắc bà được bổ nhiệm, giới chỉ trích đã hoài nghi năng lực của bà. Ngay cả trong nội bộ đảng LDP cũng có chất vấn, vì sao một luật sư chưa từng có kinh nghiệm về quốc phòng hoặc ngoại giao lại có thể ngồi vào chiếc ghế quyền lực này; đặc biệt trong bối cảnh tình hình khu vực nóng bỏng vì các hoạt động của Trung Quốc và Triều Tiên.
Cư dân mạng cũng chuyển hướng sang săm soi ngoại hình của bà Inada. Khi nữ bộ trưởng công du Djibouti ở Đông Phi mùa hè năm ngoái, nhiều người chỉ trích chiếc mắt kính của bà. Hoặc trong một dịp khác, đôi giày cao gót trở thành đề tài tranh cãi khi bà đi thăm một tàu chiến của Nhật.
“Rất đáng thất vọng khi sự chú ý chỉ nhằm vào thời trang của các nữ chính khách. Vấn đề thực sự là bà Inada không có sự tự tin, kiến thức và kinh nghiệm trong quân sự”, Kiyomi Tsujimoto, nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập ở Hạ viện, nói.
Những chỉ trích với bà Inada càng gia tăng thời gian gần đây khi báo chí cho biết chính phủ cố tình ém nhẹm về tình hình xung đột đang diễn ra ở Nam Sudan. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã cử một nhóm binh sĩ đến tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại đất nước này, trong khi hiến pháp Nhật cấm việc gửi quân đến các vùng chiến sự.
Trong một tuyên bố mới đây, bà Inada đề cập đến 2 vụ việc nóng nhất. Nữ bộ trưởng khẳng định đã không có liên hệ nào với tập đoàn Morimoto Gakuen suốt 10 năm qua. Bà đồng thời tuyên bố mở cuộc điều tra đặc biệt với các báo cáo về tình hình ở Nam Sudan.
Khi phát biểu trước quốc hội tuần trước, Thủ tướng Abe đã bảo vệ bà Inada và nói ông muốn bà “tiếp tục đảm nhiệm chức vụ bằng sự chân thành”.
“Nếu ông Abe đẩy bà ấy ra khỏi đoàn xe thì ông sẽ bị tấn công dữ dội, do thủ tướng vốn là người thầy chính trị của Inada. Nhưng mặt khác, ông ấy có thể sẽ cần một người cùng đối phó với những chỉ trích”, Jeff Kingston, giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, nói.