Khung giờ vàng cúng rằm tháng Giêng 2023 để cả năm may mắn

GD&TĐ - Tết Nguyên Tiêu là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt và cũng là ngày rằm rất quan trọng trong phong tục Việt Nam.

Khung giờ vàng cúng rằm tháng Giêng 2023 để cả năm may mắn

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên tiêu (ngày rằm tháng giêng)

Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, theo tục xưa gọi là Tết Nguyên Tiêu.

Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười).

Vào ngày này, người Việt Nam thường cúng Rằm tháng Giêng ở nhà, đi lễ Chùa, lễ Phật để cầu mong cho sự bình yên, khỏe mạnh quanh năm. Đây là lễ tiết quan trọng trong năm nên dân gian ta có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Năm 2023 khá đặc biệt khi Ngày Lập Xuân 4/2 nhằm ngày 14/1 âm lịch nên chúng ta sẽ có thể kết hợp cúng Tết Nguyên Tiêu cùng cúng Tết Lập Xuân. Các gia đình có thể cúng 2 ngày Tết này vào 1 ngày 14/1 hay ngày 15/1 âm lịch đều được.

Chính vì ngày 13/1 âm trùng ngày 3/2 năm 2023 dương lịch lại là ngày cuối cùng của tiết khí Đại Hàn, là ngày Tứ Tuyệt Tứ Cùng nên chúng ta không nên tiến hành nghi lễ cúng Tết Nguyên Tiêu tức cúng rằm sớm vào ngày này.

Trong ngày Rằm tháng Giêng, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng rằm của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.

Theo phong tục, đêm ngày 15/1 âm lịch (đêm Rằm tháng Giêng), bất cứ ở thành thị hay ở nông thôn, đâu đâu cũng treo đèn kết hoa (hiện nay đã hạn chế nhiều) và thực hiện các nghi lễ cúng rằm.

Tuy nhiên theo quan niệm từ nhiều đời nay, trong một năm chọn lấy một ngày, trong một ngày chọn lấy giờ đẹp. Vì thế, trong ngày 15/1 âm lịch cũng chỉ có một giờ chuẩn nhất, phù hợp nhất để làm lễ cúng Rằm tháng Giêng.

Khung giờ vàng cúng rằm tháng Giêng

Giờ thích hợp nhất để làm lễ cúng Rằm tháng Giêng tại nhà đó là giờ Ngọ (11h-13h) - thời khắc này là đúng thời khắc thần Phật giáng thế.

Nếu điều kiện không cho phép các bạn trong dịp Rằm tháng Giêng năm Quý Mão này có thể cúng vào ngày 14/1 hoặc ngày 15/1 theo các khung giờ sau:

Ngày 14/1 âm lịch tức thứ 7 ngày 4/2 ngày Lập Xuân, có thể cúng kết hợp cúng Rằm tháng giêng.

Giờ Mão (5 - 7 giờ)

Giờ Thìn (7 - 9 giờ)

Giờ Mùi (13 - 15 giờ)

Giờ Thân (15 - 17 giờ).

Ngày 15/1 âm lịch tức chủ nhật ngày 5/2 dương lịch

Giờ Mão (5 - 7 giờ)

Giờ Tỵ ( 9 - 11 giờ)

Giờ Mùi (13 - 15 giờ)

Giờ Thân (15 - 17 giờ).

* Thông tin mang tính tham khảo!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ