ịa danh núi Nấp đã trở thành “túi bom” của quân thù nhắm vào. Để rồi, trong một trận oanh tạc, bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng 13 nữ thanh niên xung phong (TNXP) và 4 công nhân ngành cầu đường khi họ đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi.
Nơi ngã xuống của 13 nữ TNXP
Núi Nấp tọa lạc ở xã Đông Hưng, TP.Thanh Hóa nằm giáp ranh giữa xã Đông Văn và Đông Nam, huyện Đông Sơn (tỉnh Thanh Hóa). Cách đây hơn nửa thế kỷ, địa danh núi Nấp được coi là “yết hầu” của con đường vận chuyển hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Vì thế, lúc bấy giờ giặc Mỹ coi núi Nấp như một địa điểm để trút mưa bom, nhằm cắt đứt con đường chi viện lương thực và đạn dược cho chiến tuyến miền Nam.
Theo tư liệu lịch sử của Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa: Xác định núi Nấp là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nên Đại đội 873 đã thành lập đội xung kích, bao gồm những đội viên ưu tú, sẵn sàng xả thân để giữ vững huyết mạch giao thông luôn thông suốt, đảm bảo an toàn tuyệt đối những chuyến tàu vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam.
Cuối tháng 10/1966, tiểu đội nữ xung kích Đại đội 873 - Đội 87 TNXP (được thành lập ngày 2/1/1966, gồm: 200 đội viên, trong đó 170 nữ và 30 nam), về đóng quân tại xóm Văn Miếu, xã Đông Văn để đảm nhiệm việc ứng cứu ga Thanh Hóa và đảm bảo giao thông trên tuyến đường sắt Bắc - Nam.
Tất cả những con người ấy đều xuất thân từ vùng đất Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Những người con anh dũng của quê hương Đông Hưng ngày ấy, gồm: Nguyễn Thị Nhạn (21 tuổi), Dương Thị Nhì, Vũ Thị Khánh, Trần Thị Nụ (đều 20 tuổi); Hạ Thị Việt, Hoàng Thị Bé, Vũ Thị Thu, Nguyễn Thị Duyên, Đinh Thị Thúy, Cao Thị Thúy (đều 19 tuổi); Chu Thị Sửu, Nguyễn Thị Na (đều 18 tuổi); và Vũ Thị Hương (17 tuổi).
Do địa danh núi Nấp là nơi trọng yếu có thể dựa vào thế núi để cất giấu tàu, xe và nhiều vật tư, hàng hóa khác của đường sắt cũng như ngành giao thông, vì vậy mỗi năm nơi đây phải hứng chịu bom đạn của địch trút xuống. Có thời điểm, máy bay giặc Mỹ đã bắn phá liên tục 60 ngày đêm, có những ngày phá hỏng 500 - 600m đường sắt… nhằm làm tê liệt mạch máu giao thông quan trọng này.
Tuy nhiên, với khẩu hiệu: “Quyết tâm không để mạch máu giao thông ngừng trệ”; “đường chưa thông không tiếc máu xương”; hay “C873 quyết tử cho đường sắt quyết thông”... nên những TNXP của đội xung kích vẫn như “con thoi” dưới tiếng bom rơi, đạn nổ. Họ luôn có mặt ở các trọng điểm ác liệt từ Hàm Rồng tới ga Thị Long, cầu Cun, núi Nấp, núi Nhồi... để tháo bom, mở đường, thông tuyến bảo đảm cho các chuyến tàu vận tải lương thực và đạn dược được thông suốt.
Chỉ tính riêng thời điểm năm 1966, đầu năm 1967, đội xung kích Đại đội 873 đã đào đắp hơn 10.000m3 đất, đá; khắc phục 140 trận đánh phá của giặc Mỹ trên địa bàn, giữ vững tuyến đường sắt để các đoàn tàu vận chuyển được 16.000 tấn lương thực, vũ khí, đạn dược vào phục vụ chiến trường K-B-C...
Khoảng 4h sáng ngày 11/5/1967, đoạn đường sắt núi Nấp lại bị máy bay giặc Mỹ trút bom xuống dữ dội, đường ray bị lật tung, nhiều đoạn trúng bom bị hư hỏng nặng làm tê liệt cả tuyến đường. Nhận được mệnh lệnh phải sửa chữa đoạn đường sắt bị bom phá hỏng, đảm bảo thông đường nhanh nhất bằng mọi giá. Ngay lập tức, toàn đội xung kích đã cùng với 10 công nhân đường sắt (khoảng 70 người), lao ra nhanh chóng san lấp, chuyển đá, kê lót tà vẹt để nối ray.
Bất chấp hiểm nguy dưới làm mưa bom, bão đạn hễ tiếng máy bay của giặt vừa ngớt, anh, chị em trong đội xung kích lại lao ra làm nhiệm vụ để chạy đua với thời gian. Theo dự kiến, đội xung kích sẽ san lấp hố bom, vá đường, nối ray để thông xe trước 21h cùng ngày.
Khi công việc gần như hoàn tất, mọi người đang hối hả siết lại những con bu lông cuối cùng, thu dọn đất đá, kiểm tra độ an toàn lần cuối, chuẩn bị thông xe thì bất ngờ máy bay Mỹ lao đến cắt bom toạ độ. Bốn quả bom dội trúng đội hình của tiểu đội xung kích, 13 cô gái TNXP cùng với 4 công nhân đường sắt đã hy sinh tại chỗ, 27 nam, nữ TNXP khác bị thương. Thời gian nghiệt ngã đó là vào lúc 20h45 phút ngày 11/5/1967.
Vang mãi khúc tráng ca
Tấm bia tưởng niệm khắc ghi sự hy sinh anh dũng của 13 nữ TNXP Thái Bình. |
Nhân chứng sống ít ỏi chứng kiến sự hy sinh của 13 nữ TNXP năm ấy, giờ đây đã bước qua tuổi 90. Đó là cụ ông Lê Đình Pháo, hiện đang ở xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, đã ngồi kể cho chúng tôi nghe chi tiết về cách sống và cái chết của những nữ anh hùng TNXP.
Tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn cho lắm, nhưng cụ Lê Đình Pháo khi nghe chúng tôi nhắc đến ngày đau thương đó, cụ trầm ngâm một lúc như để lục lại ký ức. Cụ Pháo bảo rằng: “ Mỗi lúc nhắc đến chuyện này, trong đầu tôi lại hiện về cảnh chết chóc, tang thương khi chứng kiến việc đi gom nhặt thi thể của các chiến sỹ TNXP. Đêm hôm ấy là mùa hè, trời không mưa mà tôi cảm thấy lạnh vô cùng. Cái cảm giác lạnh, thương xót vì chỉ trong chốc lát, giặc Mỹ đã cướp đi mạng sống của 17 con người”.
Nói đến đây, dường như xúc động quá, nên cụ Pháo phải ngừng lại để hớp một ngụm nước. Dừng một chút cụ Pháo kể tiếp: “Hồi ấy, tôi đang làm chủ nhiệm của Hợp tác xã Nam Thắng. Vào ngày hôm đó, khi tôi đang chủ trì cuộc họp với các xã viên hợp tác thì máy bay Mỹ ào đến cắt bom. Nghe tin báo trận địa bị trúng bom tọa độ, hàng chục TNXP đã hy sinh, tôi liền huy động cán bộ và nhân dân địa phương nhanh chóng ra hiện trường gom nhặt thi thể những người đã hy sinh.
Sau đó, có 17 cụ già của hai xã Đông Nam và Đông Văn đã tình nguyện hiến 17 chiếc áo quan của mình cho 13 nữ TNXP và 4 công nhân của ngành đường sắt đã ngã xuống để chôn cất họ ở chính mảnh đất này. Đến bây chừ (bây giờ), vẫn còn một số người đang nằm lại cùng với các đồng đội ở vùng đất này. Tôi nhớ, năm 1985, nhân dân và các cấp chính quyền đã quy tập phần mộ các chị vào nghĩa trang liệt sĩ xã Đông Nam. Cũng có một số người đã được gia đình và chính quyền địa phương đưa hài cốt của các chị ấy về quê hương rồi”.
Ông Lê Trung Sơn – Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sau sự kiện 13 nữa TNXP và 4 công nhân ngành đường sắt ngã xuống ở núi Nấp, đến năm 1985, chính quyền và nhân dân địa phương đã quy tập các phần mộ của 17 liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ Đông Nam.
Năm 1995, núi Nấp đã được Nhà nước công nhận là Di tích tích lịch sử cấp Quốc gia. “Vào ngày truyền thống lực lượng TNXP hàng năm, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 và Tết Nguyên đán, Tỉnh hội TNXP cũng như các đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội cựu TNXP Thái Bình… đều về đây dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 13 nữ liệt sĩ TNXP ngày ấy. Đây cũng là cách giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” giúp các thế hệ mai sau luôn khắc ghi công ơn to lớn của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.”- ông Sơn tâm sự.
Rời mảnh đất Đông Hưng – nơi có địa danh núi Nấp một thời đạn bom ác liệt, trong lòng chúng tôi thầm nghĩ: Có thể, quá khứ chiến tranh sẽ dần được khép lại, nhưng hình ảnh những nữ TNXP băng mình trong lửa đạn, san lấp mặt đường trong những tháng năm khói lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí đồng đội của họ. Và, không ai được phép lãng quên sự hy sinh anh dũng của các chị - những người con đất Việt đã ngã xuống, dù nơi đây đang hồi sinh, phủ lên mình màu xanh, sự sống.