Khúc hoan ca của người đi mở đất

Khúc hoan ca của người đi mở đất

(GD&TĐ) - Chuyện nông dân đi khai hoang, phục hóa vùng Tứ giác Long Xuyên giống hệt như huyền thoại, gặp biết bao trở ngại, thậm chí lâm vào cảnh túng quẫn. Nhưng rồi, đất cũng không phụ lòng người và họ đã chiến thắng thiên nhiên, góp phần tạo dựng bộ mặt mới cho vùng Tức giác Long Xuyên ngày nay.

Thu hoạch tôm càng xanh ở Phú Thuận
Thu hoạch tôm càng xanh ở Phú Thuận

Ký ức của một thời

Anh Nguyễn Ngọc Thơ ở ngoại thành Long Xuyên, đã từng đến Tân Tuyến, Cô Tô, Ba Thê… để khai hoang, trồng lúa ngay sau ngày 30-4-1975. Vốn liếng bỏ ra khá nhiều, kết quả thu lại năm được năm không! Anh Thơ nói: “Hồi đó, lúa sạ chừng mười mấy ngày, đang lên tươi tốt lại có hiện tượng đỏ lá, thấy vậy đem phân quăng xuống thì bị lụi tàn từ từ, cho đến lúc chết trắng đất mà nóng ruột. Năm nào cũng bị phèn dậy dữ dội, rau muống cọng đỏ còn không thấy, nghĩ xem tiền của nào chịu nổi”.

Nông dân quanh vùng An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ còn cho biết, đó là chưa kể chuyện chuột bọ sinh sôi nảy nở tràn lan, khiến cho các chủ ruộng phải hoảng hồn, bày kế tổ chức chất chà bắt chuột và đem bán gỡ lại vốn trồng lúa!

Xuôi theo dòng kinh xáng Ba Thê, Huệ Đức, Mặc Cần Dưng, kinh Tám Ngàn… nhìn nước lờ lững trôi, nông dân Tứ giác Long Xuyên nhớ những cánh đồng đầy năn, lác và cây bàng bị nước phèn bám chân như màu bã trầu; còn trên các lung, vũng thì rong rêu mọc giữa nước trong veo, đến nỗi con cá quẫy đuôi cũng thấy rõ.

Xuôi dòng kênh Mặc Cần Dưng
Xuôi dòng kênh Mặc Cần Dưng

Anh Nguyễn Thành An ở Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), có mặt ngay trong ngày đầu khai hoang, tâm sự: “Đất đai ở đây lúc bấy giờ khó làm lắm, tốn công lao động nhiều và chi phí đầu tư cũng lớn; nhưng phải chờ thời gian mới được ăn, chớ nóng lòng thì phủi trắng tay như chơi”.

Chính vì vậy, nhiều người đến rồi buồn bã quay đi, vì thiếu kiên trì, chưa đủ kinh nghiệm canh tác, không chịu nỗi cảnh nhà cửa thưa thớt và sinh hoạt thiếu thốn nơi xa xôi, hẻo lánh của vùng kinh tế mới.

Sau trận tiến quân quyết liệt vào Tứ giác Long Xuyên, kể từ năm 1985, 85.000 ha đất của An Giang có nhiều biến đổi, môi trường sản xuất cũng cải thiện dần, các tiến bộ khoa học kỹ thuật triển khai kịp thời và ứng dụng cho kết quả rất khả quan. Cây lúa mùa nổi đi trước, rồi lúa 2 vụ theo sau và cứ thế mà lấn át đồng đất phèn chua.

Trong 5 – 10 năm trở lại đây, triển vọng vụ mùa Tứ giác Long Xuyên ngày càng đi lên, thời kỳ khó khăn nhất đã qua và bên cạnh cây lúa, hoa màu nơi đây cũng được phát triển xanh tốt, gây không ít ngạc nhiên cho nông dân trong vùng và ngay cả các nhà khoa học từng gắn bó với nó. Một số ít người lại tiếc rẽ… phải chi bám trụ thì bây giờ êm quá!

Ứng dụng máy gặt đập liên hợp
Ứng dụng máy gặt đập liên hợp

Vùng đất mới nở hoa

Cùng với chương trình thoát lũ ra biển Tây, tuyến kinh T4, T6 và kênh Võ Văn Kiệt cùng hệ thống kinh cấp 1, cấp 2 hình thành đều khắp và kinh nội đồng cũng mở ra như bàn cờ. Mấy mùa nước nổi tràn đồng, mặt bằng ruộng đất Tứ giác Long Xuyên được rửa bớt phèn chua, tơi xốp hơn và tăng thêm độ phì nhiêu sau mỗi vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thành, quê quán ở Tiền Hải (Thái Bình) đến lập nghiệp bên dòng kinh Kiên Hảo – núi Chóc (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), rất phấn khởi: “Cả nhà luôn giật mình khi nhớ đến ngày đầu khởi nghiệp, không nghĩ cây lúa bây giờ đạt được sáu, bảy tấn một ha. Lúa trúng mùa, bán được giá cao và chỉ cần tích lũy ít năm, sẽ cất được nhà cửa đàng hoàng, sắm đồ đạc sinh hoạt dễ dàng hơn trước và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn nữa”.

Nhờ chí thú làm ăn, có Nhà nước hỗ trợ vốn liếng và khoa học kỹ thuật, nên sản xuất của người nông dân luôn phát triển và sinh hoạt đời sống được cải thiện, nâng lên. Các chương trình, dự án khai hoang, phục hóa Tứ  giác Long Xuyên trị giá hàng trăm tỉ đồng, để cho nhiều công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật liên tiếp mọc lên và quyết tâm đưa vùng này ngày thêm khởi sắc.

Sau 25 năm, trở lại tứ giác Long Xuyên, chắc hẳn không ít người cảm thấy lạ lẫm với những dãy nhà tôn, nhà ngói dày đặc bên dòng kinh xẻ ngang, xẻ dọc; lộ nông thôn quanh vùng cũng được đổ bê tông, tráng nhựa, lưu thông suốt tuyến qua Hà Tiên, Rạch Giá, Tân Hiệp hoặc ngược lại. Nông dân vùng kinh Tám Ngàn biết rất rõ ông Nguyễn Lợi Đức, quê quán Khánh An (huyện An Phú) về ở đây từ năm 1997, chẳng biết gì đồng ruộng do nuôi cá bè và quen mua bán biên giới.

Vậy mà, bây giờ ông Đức trong tay có khoảng 1.400 công đất cặp kinh T6 và Võ Văn Kiệt, được xem là tỉ phú trên vùng đất kinh tế mới Lương An Trà (huyện Tri Tôn), bởi còn có thêm cửa hàng bán phân bón và thuốc trừ sâu của công ty TNHH sản xuất giống lúa. Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Đức nói: “Thấy đất đai ở đây ngon ăn, coi vậy chớ không phải dễ nuốt. Nếu không có Nhà nước cùng khuyến nông tiếp sức, thì chắc cả nhà tôi cũng bỏ đi nơi khác từ lâu rồi”.

Kênh Tám Ngàn nối liền An Giang – Kiên Giang
Kênh Tám Ngàn nối liền An Giang – Kiên Giang

Hướng tới phát triển bền vững

Đi dọc theo tỉnh lộ 941 An Giang, nhìn tấm bảng Trại giống lúa Tà Đảnh đặt ở cầu số 11 (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn), nông dân quanh vùng luôn cảm kích những cán bộ và kỹ sư, dày công thử nghiệm để cho ra đời nhiều bộ giống mới, thích nghi vùng đất phèn chua và hướng tới chất lượng hàng hóa; góp phần quan trọng vào việc sản xuất né lũ hàng năm cho hơn 10.000 ha đất trũng ở các huyện giáp ranh Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang); đưa giống lúa chất lượng cao chiếm trên 90% diện tích toàn vùng Tứ giác Long Xuyên.

Mạng lưới nông dân canh tác và sản xuất lúa giống cũng phát triển mạnh đều khắp. Năm 1985, cơ giới đồng ruộng ở đây chỉ thấy lác đác một vài chiếc thì hôm nay máy móc đã đáp ứng cơ bản cho ngày mùa, công nghệ sau thu hoạch từng bước xử lý khá tốt, hạ giá thành được khoảng 800 đến 1.000đ/kg lúa so với trước đây.

Sản xuất phát triển, tin vui lan truyền ngày càng rộng. Nông dân cù lao Ông Chưởng, vùng Hòa Hảo, Chắc Cà Đao và ngoại thành Long Xuyên cùng với một số tỉnh, thành lân cận như: Đồng Tháp Mười, Cai Lậy, Cầu Kè, Thạnh Phú… đã đổ xô vào Tứ giác Long Xuyên, mang theo cả máy móc, kinh nghiệm sản xuất và lực lượng lao động, khơi dậy tiềm năng trồng trọt từ 2 lên 3 vụ/năm. Các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đang ứng dụng mô hình “1 vụ màu + 2 vụ lúa” trong vùng đê bao khép kín; còn ở Mỹ Thái, Mỹ Hiệp Sơn... (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) cũng sản xuất “1 vụ màu + 1 vụ lúa” và “2 vụ màu + 1 vụ lúa” trên đồng đất phèn.

Sau 25 năm đổi mới và phát triển, Tứ giác Long Xuyên phía Tây Nam của Tổ quốc ngày nay không còn đất trống, các loại cây trồng đều được bố trí thích hợp, lấp hết các chỗ phèn chua, đồng năn và cây bàng hoang dại; đồng ruộng khắp nơi bát ngát màu xanh lúa và hoa màu; nông thôn nơi vùng sâu, vùng xa đang đổi thay từng ngày và khởi sắc đi lên. Nhiều người bảo rằng, được như vậy cũng là nhờ tình cảm gắn bó của người nông dân và hạt lúa An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ ngày càng vươn xa.

Phan Trọng Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.