Không xử lý kỷ luật nghiêm khắc là vi phạm pháp luật

GD&TĐ - Liên quan vụ “huyện kỷ luật nhẹ cán bộ để mất rừng, tỉnh bắt làm lại", theo đó, lý do lãnh đạo UBND huyện ĐắkG’Long (Đắk Nông) đưa ra khi kỷ luật nhẹ cán bộ là do "công tác tổ chức cán bộ tại UBND xã Quảng Sơn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn"! Lý do để xử lý kỷ luật cán bộ nêu trên đã khiến dư luận hết sức bức xúc và không đồng tình.

Ảnh minh họa. Theo Đất Việt
Ảnh minh họa. Theo Đất Việt

Trước đó, ông Đỗ Ngọc Hiếu, chủ tịch UBND xã Quảng Sơn của huyện này do thiếu trách nhiệm đã để mất hơn 68ha rừng và hơn 60 cây thông trong Trường tiểu học Quảng Sơn bị chặt phá mà không biết và còn có một số sai phạm khác.

Các sai phạm trên ông Hiếu chỉ bị UBND huyện Đắk G’Long thi hành kỷ luật cảnh cáo nhưng UBND tỉnh đã yêu cầu nâng mức kỷ luật từ kiểm điểm, rút kinh nghiệm lên cách chức.

Dưới gốc độ bài viết này chúng tôi, chỉ đề cập đến lý do mà UBND huyện  ĐắkG’Long đưa ra là hết sức vô lý, khó có thể chấp nhận được. Đây là việc làm vi phạm quy định của Đảng về công tác cán bộ.

Có thể nói công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp cơ sở là rất quan trọng. Đó là ngoài công tác chuyên môn thì cán bộ cơ sở phải có uy tín, có kinh nghiệm công tác, nắm rõ địa bàn… Tuy nhiên, cán bộ sai phạm mà không thể xử lý kỷ luật theo quy định chỉ vì… công tác cán bộ khó khăn là không thuyết phục, ngụy biện! Nói thẳng là có sự bao che, dung túng cán bộ và dư luận không thể tin được vào lý do này!

Trong cao trào của công cuộc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hiện nay, số lượng cán bộ, công chức kể cả cấp huyện và cấp xã dôi dư, không biết sắp xếp ở đâu là rất lớn. Trong khi đó, số lượng sinh viên - những người trẻ tuổi, có tri thức ra trường nhưng không thể tìm được việc làm ngày càng nhiều, vì thế không thể nói khó khăn cán bộ được. Trường hợp thiếu thì huyện có thể tổ chức thi tuyển, khi đó sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người đủ điều kiện để làm chủ tịch xã!

Thứ hai, một cán bộ đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã đến mức xử lý kỷ luật cách chức nhưng vẫn cho tiếp tục chức vụ hiện tại thì liệu hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành ở địa phương có đạt được? Đặc biệt đây là cán bộ chủ chốt ở cơ sở thì uy tín là rất quan trọng.

Trong vụ việc này, ông Hiếu đã không còn uy tín với nhân dân địa phương thì liệu ông, với tư cách là người lãnh đạo cao nhất ở xã có thể có giáo dục thuyết phục, vận động người dân ở địa phương chấp hành tốt pháp luật? Câu trả lời chắc chắn là không. Như vậy nếu tiếp tục tại vị thì công tác chỉ đạo, điều hành của ông Hiếu sẽ gặp khó khăn, hạn chế.

Do đó, việc thực hiện kỷ luật nghiêm theo quy định pháp luật là phải thực hiện. Vì lý do cán bộ khó khăn mà không xử lý là ngụy biện, không thuyết phục. Thậm chí, tổ chức, cá nhân có liên quan cố tình bao che, không xử lý là vi phạm pháp luật và vi phạm các quy định của Đảng về xử lý cán bộ sai phạm./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ