Không thể một mình ngành Giáo dục

Không thể một mình ngành Giáo dục

(GD&TĐ) - Không phải đến bây giờ, vấn đề phân luồng học sinh (HS) sau Trung học cơ sở (THCS) mới trở thành mối quan tâm của ngành Giáo dục (GD) cũng như toàn xã hội. Thế nhưng trên thực tế, với nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, hiệu quả của công tác này đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng, dù nhu cầu về lao động trẻ được đào tạo là rất lớn trong xã hội.

Học sinh đang nghe tư vấn trực tiếp tại các gian hàng
Học sinh đang nghe tư vấn trực tiếp tại các gian hàng

Trước hết, và cụ thể nhất là ở sự thờ ơ của gia đình cũng như chính các em HS đối với việc định hướng học nghề khi mới kết thúc THCS; khi tâm lý chung dẫu học không tốt, không có năng lực thực sự vẫn cố vào được cấp trung học, dù là bổ túc, để mong thi đỗ vào cao đẳng hay đại học sau này. Định hướng từ phía nhà trường cũng chỉ là một kênh để tham khảo, đôi khi chưa được đưa ra đã vấp ngay từ quan điểm “phải học tiếp” của các bậc phụ huynh, không cần biết khả năng và học lực của con em mình như thế nào. Trong khi đó, với lứa tuổi 15 – 16, ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, khó đòi hỏi các em HS có đủ kiến thức cũng như sự hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực cá nhân cũng như nhu cầu xã hội. Không vào được THPT, đã có các trường dân lập hay “thấp” hơn nữa là Bổ túc THCS, “cùng đường” lắm mới chuyển sang học nghe. Đó là thực tế rất phổ biến hiện nay.

Điểm mấu chốt thứ hai là chính sách và giải pháp thu hút người học nghề vẫn còn rất nhiều hạn chế. Các chương trình đào tạo không những chưa phong phú, chưa theo sát nhu cầu xã hội mà ngay việc đáp ứng nhu cầu của địa phương cũng chưa được chú trọng. Còn nhớ cách đây không lâu, công tác của Bộ GD&ĐT lên một tỉnh miền núi phía Bắc, trong buổi làm việc với chính quyền địa phương, các báo cáo đưa ra liên quan đến công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề nhấn mạnh nhiều đến lĩnh vực công nghệ thông tin, sửa chữa máy móc cơ giới; trong khi cái thiết thực hơn cả đối với một địa phương miền núi  là canh tác nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ mới thì chỉ được giới thiệu sơ lược và hầu hết là các giáo trình cũ, lạc hậu so với thực tế.

Có thể nói việc phân luồng HS sau trung học là yêu cầu hết sức quan trọng của GD-ĐT. Nó không chỉ giúp định hướng HS có lối đi phù hợp với năng lực của mình mà còn là tạo nền tảng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ở góc độ ngành Giáo dục, mà cụ thể là các nhà trường, thông qua các thầy cô giáo, chỉ có thể định hướng qua công tác Giáo dục hướng nghiệp và tổ chức, tư vấn hướng nghiệp cho các em bằng cách giới thiệu các ngành nghề mà xã hội đang và sẽ cần để các em có sự lựa chọn. Bản thân gia đình cũng phải có sự gắn kết chặt chẽ với nhà trường, thấu hiểu năng lực thực sự của con em mình thì mới thúc đẩy được sự lựa chọn của các em. Các cơ sở Giáo dục nghề cũng phải học tập các trường đại học, cao đẳng trong đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp để thu hút người học; nhất là liên kết được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp thì mới mong tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác này.

Trách nhiệm của ngành Giáo dục tất nhiên là rất lớn, thế nhưng, nếu cho đó là nhiệm vụ riêng của ngành mà thiếu đi cái bắt tay thực sự của toàn xã hội, e rằng đẩy mạnh phân luồng HS sau trung học vẫn chỉ mãi là mong muốn mà thôi…         

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ