Theo đó, các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện do các cơ quan Nhà nước quy định khung giá. Các dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước, cơ sở GD ĐH tự chủ quyết định mức giá dịch vụ, công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.
Ý kiến của các đại biểu cho thấy về giá dịch vụ đào tạo, đa số tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Các đại biểu cũng tán thành việc cho phép cơ sở GD ĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến băn khoăn việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”, đồng thời đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm “học phí” như quy định trong Dự thảo Luật.
Về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng Dự thảo không thay thế “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”, đây là 2 phạm trù khác nhau được ghi trong Luật. Việc xuất hiện thuật ngữ “giá dịch vụ đào tạo” là do trước đây học phí được thu dựa trên Luật Phí và Lệ phí; nhưng khi thực hiện tự chủ, trường được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở tính đúng, tính đủ các khoản chi phí hợp lý và được công khai cho xã hội, cái đó chính là “giá dịch vụ đào tạo”. Giá dịch vụ đào tạo là cơ sở để thu học phí, chứ không phải là thay thế khái niệm học phí.
Đại biểu phân tích thêm: Theo qui định hiện hành, học phí được thu dựa trên cơ sở qui định của Luật Phí và Lệ phí. Phí và lệ phí là do cơ quan Nhà nước quyết định, không phải nhà trường qui định. Dự thảo Luật mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD ĐH, trong đó có tự chủ trong hoạt động đào tạo; tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ tài chính, tài sản.
Tinh thần tự chủ tài chính trong Dự thảo Luật quy định các cơ sở GD ĐH được chủ động tính đúng, tính đủ tất cả các khoản chi phí hợp lý cho một chương trình đào tạo để đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo, bao gồm chi phí trả lương cho giảng viên và phục vụ, tiền đầu tư mua sắm, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập, các chi phí thường xuyên và các phương tiện điều kiện phục vụ cho người học…
Lấy tổng các khoản chi phí đó chia cho thời lượng đào tạo sẽ có được chi phí trên một đơn vị thời lượng đào tạo (ví dụ như chi phí tính trên 1 tín chỉ) gọi là “giá dịch vụ đào tạo”. Giá này không phải do Nhà nước ấn định như phí mà do các cơ sở GD tính toán, trên cơ sở tính đúng, tính đủ. Khi thu học phí các trường sẽ căn cứ trên giá dịch vụ đào tạo để tính ra mức thu học phí của người học theo môn học, kỳ học, năm học hoặc cả khóa học.
“Nếu không quy định “giá dịch vụ đào tạo” trong Luật này thì các trường thực hiện cơ chế tự chủ sẽ không có cơ sở để tính thu học phí. Khi đó buộc các trường phải thu theo quy định của Luật Phí và Lệ phí theo mức qui định của Nhà nước, tức quay về như cơ chế cũ là phải thu theo mức trần học phí Nhà nước quy định.
Như thế là không gỡ được điều trói buộc tự chủ tài chính của các trường đang gặp phải mà cần Luật này tháo gỡ” - Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, đồng thời chỉ ra rằng, cơ chế tự chủ tài chính theo Dự thảo Luật cũng qui định các trường được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài tiền đầu tư trực tiếp từ ngân sách của cơ sở GD ĐH; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.
Cũng theo đại biểu, đào tạo không phải hoạt động kinh doanh, mà là một loại dịch vụ công nên nó cũng có cấu thành khác nhau để phù hợp với nhu cầu, khả năng để người học lựa chọn. Vì vậy, mỗi chương trình đào tạo khác nhau, mỗi cấp độ chất lượng đào tạo khác nhau cần phải tổ chức các hoạt động GD-ĐT khác nhau nên chi phí mỗi chương trình đó cũng khác nhau. Chính bởi vậy, cơ sở GD phải công bố cho xã hội biết, tại sao SV phải đóng chừng này khi vào học và vào học thì được hưởng các điều kiện như thế nào?...