Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại suối Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trong kết luận về nguyên nhân gây lũ quét và thiệt hại đã chỉ ra rằng:
Lũ quét ở suối Son là lũ quét nghẽn dòng do cây cối từ thượng nguồn trôi về tạo đập tạm nơi dòng suối bị co hẹp tự nhiên, sau đó mưa cường độ lớn làm nước dâng nhanh và phá vỡ đập tạm tạo sóng lũ về hạ lưu.
Tổ chức đám tang cho người dân Sa Ná thiệt mạng sau lũ quét |
Mặt khác, dòng nước lũ kèm cây cối bị dồn vào đoạn suối hẹp hơn so với trước đó nên gia tăng tốc độ và chuyển hướng, hướng thẳng vào các ngôi nhà ở bản Sa Ná chứ không chảy theo dòng suối uốn lượn bên cạnh bản như các trường hợp lũ nhỏ. Đây là nguyên nhân chính gây thiệt hại về người, tài sản của bản Sa Ná.
Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất và kiến nghị. Cụ thể:
Nguyên nhân quyết định gây ra trận lũ quét là do nghẽn dòng tại điểm co hẹp trên lòng suối Son, hiện tượng lũ quét còn có thể xảy ra nếu những điểm co hẹp này còn tồn tại. Đề nghị Bộ có ý kiến với địa phương để sớm có biện pháp phá dỡ các khối đá này nhằm khơi thông dòng chảy.
Vì vậy, theo các nhà địa chất trong quy hoạch tái định cư cho dân cư các vùng ven sông, suối cần đặc biệt tránh các bãi bồi cao với hệ thống suối quanh co bên cạnh. Đây không phải là những khu vực được quy hoạch để xây dựng các công trình dân sinh. Không tái định cư cho người dân bản Sa Ná tại khu vực đã xảy ra lũ quét.
Anh Hà Văn Vân mất cả bố mẹ, em gái, vợ và hai con vì lũ quét |
Các chuyên gia cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản điều tra khảo sát các khu vực tiềm ẩn nguy cơ nghẽn dòng gây lũ quét, sạt lở trong khu vực để đề xuất với địa phương phương án tái định cư cho người dân trên lưu vực suối Son.
Trên cơ sở kết quả của trường hợp điển hình này có thể tiếp tục thực hiện đối với các khu vực tiềm ẩn nguy cơ lũ quét, sạt lở khác thuộc vùng núi Việt Nam.
Đồng thời, mong muốn các cấp chính quyền, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra tại khu vực sinh sống và phương án chủ động phòng chống.