Không quân Mỹ chi gần 1 tỷ USD để chế tạo tên lửa siêu thanh

GD&TĐ - Công ty Mỹ Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng chế tạo tên lửa siêu thanh phản lực Air-Launched Rapid Response Weapon (ARRW) trị giá gần một tỷ USD từ Không quân Mỹ.

Tên lửa siêu thanh phản lực của Không quân Mỹ.
Tên lửa siêu thanh phản lực của Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ và công ty Lockheed Martin đã đạt được một thỏa thuận trị giá 988,8 triệu USD cho việc tạo ra tên lửa siêu thanh phản lực ARRW. Thỏa thuận bao gồm việc nghiên cứu, hỗ trợ thử nghiệm và chuẩn bị cho quá trình sản xuất. Dự kiến, tên lửa sẽ được hoàn thành vào năm 2021 và sẵn sàng hoạt động vào năm 2022.

Theo kế hoạch, tổ hợp tên lửa siêu âm do công ty Lockheed Martin phát triển sẽ đạt tốc độ tối thiểu là 5 Mach. Với tốc độ này, tên lửa có thể dễ dàng vượt qua các hệ thống phòng không của đối phương.

Trước đó, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Hậu cần Không quân Mỹ, Tướng Arnold Bunch, nói rằng Không quân Mỹ đang phát triển hai loại vũ khí siêu âm là Hypersonic Conventional Strike Weapon (HCSW - vũ khí tấn công thường) và ARRW (Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không). Dự kiến hai tên lửa này sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2022.

Như đã báo cáo trước đó, việc phát triển các chương trình vũ khí siêu âm HCSW và ARRW cho Không quân Mỹ được thực hiện bới công ty Lockheed Martin.

Các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa siêu thanh ARRW đã được tiến hành tại Mỹ vào tháng 6/2019 và được xác nhận là thành công.

Cần lưu ý rằng ngoài Không quân Mỹ, các chương trình chế tạo vũ khí siêu âm cũng được thực hiện bởi Hải quân Mỹ và DARPA – Cơ quan chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo Topwar.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ