Không phải là miếng mồi béo bở

GD&TĐ - Mô hình “thành phố trong thành phố” đã có tiền lệ ở nước ta (TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh) nhưng còn nhiều thách thức lớn khác mà Hà Nội phải đối mặt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tờ trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội nêu một trong những định hướng 5 năm tới là nghiên cứu, đề xuất chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố. Kế hoạch này đã được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối tháng 9 vừa qua.

Đây mới chỉ là đề xuất, đang được nghiên cứu và còn phụ thuộc chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 3 huyện này có những ưu điểm và lợi thế nhất định trong việc trở thành “thành phố trong thành phố”, giúp Hà Nội giãn dân, giảm tải nội đô và thu hút đầu tư.

Cả 3 huyện đều tập trung nhiều cơ sở công nghiệp, làng nghề, du lịch sinh thái..., có thể tạo công ăn việc làm, thu hút người dân đến sinh sống tách biệt với đô thị trung tâm.

Cùng với đó, cả 3 huyện đã có hạ tầng giao thông tương đối tốt, sân bay quốc tế Nội Bài nằm ở cửa ngõ, đất đai rộng lớn thuận lợi cho phát triển đô thị về phía Đông Hà Nội. Trong tương lai, khu vực này kết nối với các đô thị dọc sông Hồng tạo thành chuỗi đô thị đa chức năng.

Mô hình “thành phố trong thành phố” đã có tiền lệ ở nước ta (TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh) nhưng còn nhiều thách thức lớn khác mà Hà Nội phải đối mặt. Thực tế thời gian qua, nhiều quy hoạch chưa được thực hiện như 5 khu đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn); nhiều phân khu chức năng chưa được thực hiện do thiếu nguồn lực, thiếu chính sách đặc thù kêu gọi đầu tư, khó giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, trước tiên, Hà Nội cần rà lại nguồn lực xem có thực hiện được mục tiêu đưa ba huyện lên thành phố hay không.

Tiếp đó, việc xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế - xã hội sao cho hợp lý không hề đơn giản. Thành phố trong thành phố phải tính được bài toán làm thế nào để trở thành một dạng như thành phố kinh tế, phát triển trong thời kỳ kỷ nguyên số, thành phố thông minh như hướng Thủ Đức đang đi.

Thành phố này không thể là những “miếng mồi béo bở”, biến nó thành mảnh đất nuôi dưỡng bất động sản và rồi để phân chia cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận sẽ sinh ra từ trí tuệ, khoa học công nghệ của thời kỳ 4.0, chứ không phải lấy giá trị thặng dư của đất từ việc chia lô bán nền.

Hà Nội sẽ tọa đàm, lấy ý kiến các đơn vị, chuyên gia về việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Nếu chủ trương xây dựng quy hoạch các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh trở thành thành phố được thông qua thì rất cần có một bản quy hoạch hoàn chỉnh, chi tiết giải quyết những vấn đề cốt lõi như trung tâm đô thị nằm ở đâu?

Hệ thống giao thông riêng, giao thông kết nối như thế nào? Những việc này phải làm chuẩn chỉnh để vừa thu hút được nhà đầu tư, vừa bảo đảm lợi ích cho người dân về hạ tầng, tiện ích công cộng, môi trường và tránh cả nguy cơ các “thành phố” có thể trở thành “ốc đảo” nuôi dưỡng lợi ích bất động sản.

Đặc biệt, cần minh bạch các thông tin quy hoạch để người dân nắm được, hạn chế việc đầu cơ, gây sốt ảo trên thị trường bất động sản, điều đã manh nha trong những ngày qua ở cả 3 huyện này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.