Không phải cứ "dốt hơn" thì đi học nghề!

GD&TĐ - Mọi cá nhân đều phải học và mọi quốc gia đều phải tổ chức dạy và học. Những quan niệm khác nhau về học tập và cách thức học tập đã tạo ra những nguồn chất lượng con người khác nhau.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy học là gì? Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học có thực sự liên quan đến tấm bằng - giấy thông hành vào đời?

Học giỏi không đồng nghĩa với giỏi nghề

Bấy lâu nay, lẽ thường người ta bảo “không đỗ đại học” thì đi học nghề. Thế có nghĩa là gì? “Học dốt” thì không đỗ đạt, vì thế phải đi học nghề! Nhưng trên thực tế, có rất nhiều nghề chẳng liên quan đến bằng cấp. Nghề giám đốc, nghề nấu ăn… thì phải học làm sao?

Mới đây, tôi có trao đổi với một vài người bạn trong lĩnh vực dạy nghề. Họ nói rằng, không ít người có bằng đại học sau khi ra trường, không có việc làm thì lại đi học nghề. Những người này khẳng định rằng, cách đào tạo nghề khác hẳn với đào tạo “đại học”. Ở đại học, họ được dạy thiên về kiến thức, lúc học ở trường nghề, họ được hướng dẫn, thực hành là chính. Vì vậy, họ nhận ra “giỏi nghề”, khác hẳn “giỏi học”.

Thực tế, tôi được chứng kiến nhiều người bằng cấp đại học, mà không làm được việc như yêu cầu, hoặc họ đi học một nghề mới trong niềm “tiếc nuối” vì sự lựa chọn trước đây. Tôi đặt câu hỏi, “tại sao không lựa chọn học nghề phù hợp, mà phải cố vào đại học (cho sang)? Làm sao có thể tìm được nghề phù hợp với bản thân mình?, Bao nhiêu tuổi, nên bắt đầu chọn nghề? Nhà trường, các môn học, người dạy có thể làm nhiệm vụ “định hướng nghề” cho người học được không? Cha mẹ thông thái hành động thế nào để đầu tư cho con, giúp con chọn nghề?… Tôi đang lo sợ, một ngày nào đó, chứng kiến số lượng rất đông những người ở độ tuổi 30 mà lại loay hoay tìm nghề, tìm việc!

Tôi muốn nói, nghề là thứ ai cũng phải học để có, và học đại học chẳng bớt đi việc học này.

Giỏi một nghề là yếu tố quyết định đến tương lai của mỗi người. Ảnh minh họa
Giỏi một nghề là yếu tố quyết định đến tương lai của mỗi người. Ảnh minh họa

Tiền và nghề với giới trẻ

Phải khẳng định rằng: “Nghề sẽ cho bạn nhiều thứ hơn tiền”. Chẳng hạn:

* Bạn đã bỏ cuộc sau 2 lần trượt phỏng vấn.

* Bạn bỏ việc vì công việc vất vả mà lương lại thấp.

* Bạn không muốn đi xin việc ở chỗ khác – nơi bạn đã ngắm nghía, chọn lựa từ lâu.

Hầu hết những người trưởng thành ở tuổi tôi đều đã từng như bạn. Cả những người ở thế hệ trước của tôi nữa.

Ai trong lúc bắt đầu cũng gặp những điều trắc trở, gian nan, thấy khó chịu, thấy “không xứng” để mà phải cố gắng.

Nhất là trong thời đại này, chỉ cần “ra đường”, “lướt máy tính – điện thoại” cũng có thể kiếm được tiền. Mà có khi không cần làm gì cả, bạn cũng không bị đói!

Có việc khác với có nghề

- Có nghề đòi hỏi bạn phải nhận thức được sứ mệnh của nghề mà bạn sẽ làm. Nó sẽ rèn cho bạn Ý chí, Đạo đức… Có những thứ đó, bạn như có lan can để vịn vào, để mà làm không sợ sai, làm có động lực.

- Có nghề đòi hỏi bạn phải có kĩ năng thành thạo. Bạn sẽ rèn luyện qua công việc, qua thực tiễn… và bạn sẽ trở nên khỏe thật sự.

- Có nghề rồi, bạn sẽ có một sự tự tin, người ta nói “quẳng đâu cũng sống được”. Nhưng hơn hết, khi đó, bạn thấy mình có nhà. Vì muốn trưởng thành nghề, bạn không làm một mình được.

Bạn biết đấy, bạn có thể ước mình được tự do thích làm gì thì làm. Có thể ngay bây giờ, bạn đang được như vậy rồi. Nhưng bạn quên mất một điều, đã làm người thì ai cũng cần chung sống, thích nghi. Người ta dễ lầm đường, người ta dễ trầm cảm, và người ta dễ bị lạc trôi vào thế giới không có loài người chỉ vì không dũng cảm thích nghi sống với mọi người.

Ngày hôm qua, hôm trước nữa, rất nhiều người làm tuyển dụng than trời vì bạn. Họ chẳng vui chút nào, có khi họ lo lắng, buồn chán khi không tuyển được bạn. Thế giới này cần bạn. Cần bạn ra nhập vào những “Chiến binh xây dựng cuộc đời”. Tôi cũng mong chờ các bạn - các giáo viên trẻ ơi. Khi thiếu bạn, tôi sẽ vẫn đi tìm, vẫn xây những ngôi trường, vẫn tạo ra những lớp học để có chỗ đón bạn. Để thuyết phục bạn rằng, tôi đã thấm: Nghề cho tôi nhiều thứ hơn tiền. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ