Năm học 2021-2022 là một năm học rất đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành giáo dục tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục và đã giành những kết quả đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ năm học.
Chú trọng tập huấn cho đội ngũ giáo viên
Thống kê từ Sở GD&ĐT Nam Định cho hay, năm học 2021-2022, mạng lưới trường lớp của tỉnh cơ bản duy trì ổn định. Ở cấp học mầm non có 230 trường, trong đó có 226 trường mầm non công lập, 04 trường mầm non tư thục, tổng số 461 điểm trường; 107 nhóm lớp mẫu giáo, trẻ độc lập tư thục.
Cấp học tiểu học có 227 trường tiểu học (thành lập mới 1 trường), trong đó có 1 trường dành cho học sinh khuyết tật, tổng số 318 điểm trường. Toàn tỉnh cũng có 226 trường THCS với tổng số 239 điểm trường; 57 trường THPT, trong đó 45 trường THPT công lập, 12 trường THPT ngoài công lập. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm GDTX tỉnh; 1 trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp; 9 trung tâm GDNN-GDTX thuộc các huyện; 1 trường Cao đẳng Sư phạm; 226 trung tâm Học tập cộng đồng; 52 trung tâm ngoại ngữ, tin học...
Để thực hiện Kế hoạch số 91 ngày 14/10/2020 của UBND tỉnh Nam Định về đào tạo nâng trình độ chuẩn đào tạo cho giáo viên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đào tạo nâng chuẩn cho 38 giáo viên mầm non; tổ chức xét tuyển và liên kết với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở lớp nâng trình độ chuẩn cho giáo viên tiểu học, THCS. Cụ thể, Giáo dục tiểu học: 247 người; Mỹ thuật: 27 người; Tin học: 31 người; Giáo dục thể chất: 39 người; Tiếng Anh: 38 người.
Sở GD&ĐT cũng đã cử cán bộ quản lý, giáo viên (CBQL, GV) tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và các ban, ngành có liên quan tổ chức. Triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ CBQL, GV và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ theo các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp; gắn với bồi dưỡng về Chương trình GDPT 2018 và các nhiệm vụ chuyên môn của từng cấp học.
Tổ chức bồi dưỡng CBQL, GV đại trà thực hiện các mô-đun Chương trình GDPT 2018, phối hợp với Viettel và VNPT Nam Định triển khai bồi dưỡng, tự bồi dưỡng các mô-đun 1, 2, 3, 4 bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống LMS, và hoàn thành xong trước ngày 15/42; bồi dưỡng tài liệu Giáo dục địa phương; hội thảo và tập huấn sử dụng SGK lớp 3; tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, kế hoạch bài dạy đối với 11 môn học, 440 GV cốt cán. Các Phòng GD&ĐT tổ chức tập huấn tới 100% GV dạy các môn học.
Giáo dục thích ứng với dịch bệnh
Dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cả thầy và trò các nhà trường đều nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. |
Trong năm học 2021-2022, các cơ sở giáo dục mầm non tích cực xây dựng được 11.222 video, audio; tuyển chọn về các huyện/thành phố được 1.264 sản phẩm, cấp tỉnh chọn được 47 sản phẩm.
Ngoài ra, giáo viên nhóm lớp tuyên truyền tới cha mẹ trẻ các bài viết hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà. Từ ngày 12/4, toàn bộ 230 trường mầm non trên địa bàn tỉnh, 116 nhóm trẻ hoạt động trở lại thích ứng với trạng thái bình thường mới, triển khai các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.
Toàn tỉnh đã huy động 18.791 trẻ nhà trẻ ra lớp, đạt 27,36% số trẻ trong độ tuổi; 82.346 trẻ mẫu giáo ra lớp, đạt 90,86% dân số độ tuổi. Riêng mẫu giáo 5-6 tuổi huy động 30.034 trẻ đạt 100% dân số độ tuổi.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, các đơn vị linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động và công tác nuôi ăn bán trú để đảm bảo an toàn cho trẻ. Từ 12/4/2022, 100% CSGD mầm non tổ chức nuôi ăn bán trú với tỷ lệ trẻ đến trường được nuôi ăn bán trú với 94,74% trẻ nhà trẻ; 97,2% trẻ mẫu giáo ra lớp được nuôi ăn bán trú.
Ở cấp học phổ thông, từ ngày 4/4, toàn bộ các trường phổ thông đã tổ chức dạy học trực tiếp. Nâng cao hiệu quả thực hiện các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với các nhóm đối tượng nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Hướng dẫn tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức cho từng đối tượng bảo đảm chất lượng, đặc biệt là kèm cặp riêng miễn phí đối với những học sinh yếu, có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó tạo tiền đề cho việc tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với nhiều kết quả tích cực.
Nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ
Hệ thống cơ sở vật chất của ngành giáo dục Nam Định ngày càng được đầu tư, nâng cấp. |
Nói về phương hướng trong năm học 2022-2023 sắp tới, Sở GD&ĐT Nam Định xác định sẽ xây dựng hệ thống giáo dục theo phương châm 4 tốt (Môi trường giáo dục tốt, Quản lý tốt, Dạy tốt, Học tốt); xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện; tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp, hợp tác, kĩ năng tự quản, tự học của học sinh, sinh viên.
Ngành giáo dục Nam Định sẽ tiếp tục triển khai dạy chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm đối với 100% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12; phối hợp với các tổ chức, đơn vị quốc tế uy tín triển khai đánh giá năng lực Tiếng Anh của học sinh.
Bồi dưỡng GV đạt chuẩn về trình độ ngoại ngữ; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ GV cốt cán (tập trung vào đội ngũ GV trẻ) để dạy toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh; tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng GV sáng tạo tham gia mạng lưới GV toàn cầu làm nền tảng cho phát triển hợp tác quốc tế.
Đẩy mạnh phong trào học Tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại các trường phổ thông; tiếp tục thực hiện hiệu quả, bảo đảm các mục tiêu của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục và Đề án tăng cường giảng dạy Tiếng Anh với GV người nước ngoài...