Bất kể chúng ta có tin vào vận mệnh hay không thì xác thực nó vẫn luôn tồn tại, có rất nhiều thầy toán số từng nói: “Chỉ có tích đức, hành thiện mới có thể thay đổi vận mệnh của mình”. Nhưng chúng ta lại có nhiều người không thể hiểu được, làm thế nào mới có thể hành thiện tích đức? Làm thế nào mới có thể thay đổi được vận mệnh của mình từ xấu sang tốt? Làm thế nào mới có thể trở thành người có phúc khí?
1. Quy luật tuần hoàn của trời đất mắt người nông cạn không nhìn ra
Lữ Mông Chánh là người thời Bắc Tống, từ nhỏ cha mẹ ông đã qua đời, ông phải lưu lạc đầu đường cuối chợ để mưu sinh, cuộc sống bữa đói bữa no. Không những vậy, nhiều người lạnh nhạt, khinh bỉ, cho rằng ông chỉ là thứ người ti tiện. Ngược lại, ông là người có bẩm chất thông minh, lương thiện, tuy sống trong hoàn cảnh như vậy nhưng không khi nào buông bỏ chính mình. Ông luôn nỗ lực đọc sách nâng cao bản thân.
Có một lần, ông đến một ngôi chùa để tá túc, xin ăn và đồng thời mong có được cơ hội ở đó đọc sách thánh hiền. Nhưng thời gian qua đi, ông ở đó được một khoảng thời gian dài, những hòa thượng ở chùa bắt đầu thấy chán ghét ông nên thường đến bữa ăn cơm là đi ăn trước, không gọi ông ăn, khi ông đến ăn thì đồ ăn đã hết chẳng còn. Những lúc như vậy ông vẫn nhịn đói mà đọc sách.
Sau một thời gian nỗ lực học tập ông đã thi đỗ trạng nguyên, rồi đến khi có được địa vị dưới một người, mà trên vạn người. Vì cảm thán quãng đường ngày xưa cũ, ông đã viết cuốn: “Lữ Mông Chánh Cách Ngôn” lưu danh thiên cổ.
Ông nói: “Khi ta nghèo áo mặc không đủ thân, cơm ăn không đủ no, trên thì có người ghét, dưới thì có người không ưa. Khi ta dưới một người, trên vạn người, trên thì có người sủng ái, dưới thì có người vây quanh. Ôi, đây không phải là ta ti tiện, cũng chẳng phải ta phú quý mà là quy luật tuần hoàn của trời đất mà mắt người thế nhân nông cạn nhìn chẳng ra mà thôi”.
Sau này ông làm lên chức Tể tướng, là một vị quan tốt của bách tính, vạn dân, câu chuyện của ông được người đời truyền tụng.
Có thể nói, thiện lương chính là chia khóa để thay đổi vận mệnh của ông.
Trời đất vẫn chuyển bốn mùa nhưng khi ở trong đó ta lại ít khi nhận ra. (Ảnh: Pinterest)
2. Khi khốn khó không oán, không giận, tích đức hành thiện
Tôi có một người bạn, cha mẹ cậu ấy trong thời kỳ Tam phản, Ngũ phản bị chính quyền Trung Quốc đánh chết, toàn bộ gia sản bị tịch thu, năm 1950 cậu ấy từ Đại Lục chạy sang Hồng Kông. Khi đó, thân phận không có, tiền bạc cũng không, cậu ấy lên trên đỉnh núi dựng một cái lều cỏ ở trên đó.
Khi đó cậu ấy còn có một đứa con nhỏ, vì bị bệnh nhưng không có tiền chữa trị nên chết sớm. Tuy vậy, trước sau như một, cậu ấy không hề oán trời, trách đất, ngược lại, cậu ấy luôn có trái tim chính trực, nhân hậu, đồng cảm với mọi người, đối với người gặp nạn khác thì luôn giúp đỡ họ trong hết khả năng của mình.
Sau này khi cậu ấy trở thành ông chủ lớn, có nhà cửa xe hơi, công ty của mình, cậu ấy nói: “Vì người khác chính là vì chính mình, hại người khác chính là hại mình. Khi người khác vô tội mà gặp nạn, thấy người ngã giếng mà ném đá thì là việc tổn phúc nhất”.
Cổ nhân nói: “Tiện nghi không thể chiếm hết, phúc lộc không thể hưởng tận”, cậu ấy cho rằng làm ông chủ thì phải biết nghĩ cho người làm, trả công cho người làm so với người khác cao hơn một chút, không nên so đo, cần khiêm nhường lễ phép. Cậu ấy có căn nhà cho thuê, bình thường đáng nhẽ lấy 10 đồng, cậu ta lấy 9 đồng, cậu ấy cho rằng người ta cũng là người đi làm thuê không dễ dàng gì.
Còn nữa, cậu cho rằng không được lãng phí đồ ăn, tuyệt đối không được đem thức ăn thừa bỏ đi. Cậu ấy cho rằng trên đời còn có rất nhiều người cơm ăn không đủ no, hơn nữa bản thân mình trước đây cũng từng trải qua tình cảnh như vậy, thật khó mà quên đi được.
Con người lúc phú quý cũng có lúc cơ hàn, biết được lúc khó khăn sẽ thấy đồng cảm với người khác. (Ảnh: DivoMix)
Cậu còn nói: “Tôi may mắn hơn những người khác, tôi quen biết nhiều công ty, nhà máy khác, rất nhiều trong số họ đều phải đóng cửa vì không làm ăn được, ngay bản thân tôi cũng nhiều lần phải đối diện với cảnh phá sản. Nhưng nhờ trời thương cho, tôi làm việc gì cũng nghĩ cho người khác trước nên có những lúc vận khí đen tưởng chừng như không lối thoát thì lại được phục sinh, chuyển hung hóa cát, bình an vô sự”.
Cậu cho rằng: “Làm người thì bất kể giàu nghèo, ai trong đời cũng không tránh khỏi cái chết. Vậy nên, làm người thì cần phải sống thiện lương, dù có chết cũng được nhẹ nhàng thanh thản”. Quả đúng không sai, cuộc đời của cậu sống thanh nhàn, ra đi nhẹ nhàng thanh thản. Hôm đó, đúng lúc ở nhà cậu thấy khát nước nên mở tủ lạnh lấy 1 ly sữa ra uống, uống xong một lúc thì cậu ấy ra đi, an nhiên thanh thản như người đang ngủ trên giường.
Có thể nói, nhân hậu chính là cách để cậu ấy cải biến vận mệnh của mình.
Thế nên, làm người lấy lương thiện nhân hậu đãi người, lấy chân thành đối đãi việc, như vậy thì dù có ở đâu thì chúng ta cũng có được một cuộc sống thanh nhàn, an lạc, gặp hung hóa cát, gặp dữ hóa lành.