Không nên quy định cứng GD an ninh mạng trong môn học chính khóa

GD&TĐ - Thảo luận về dự án Luật An ninh mạng, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không nên quy định cứng về nội dung giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng. Đồng thời có biện pháp xử lý thông tin trên không gian mạng với nội dung tuyên truyền xấu gây ảnh hưởng đến một vài cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cân nhắc quy định giáo dục an ninh mạng

Theo Đại biểu Trần Thị Dung - đoàn Điện Biên cho biết: Khoản 1 Điều 34 quy định giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường.

Đại biểu đề nghị cần cân nhắc không nên quy định cứng là: bố trí giáo dục an ninh mạng trong môn học chính khóa của nhà trường, vì có thể sẽ gây khó khăn cho chủ trương giảm tải chương trình trong trường học phổ thông hiện nay.

Bên cạnh đó, việc bổ sung này sẽ tác động trực tiếp tới việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên và khó có thể bảo đảm công tác giảng dạy nội dung này, tạo sức ép về nguồn nhân lực và tài chính cho các nhà trường.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Thị Dung, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy - đoàn Thanh Hóa cho rằng, việc đưa chương trình giáo dục an ninh mạng vào nhà trường là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị: Dự thảo luật cũng nên cân nhắc để quy định giáo dục an ninh mạng được coi là một nội dung quan trọng trong môn học giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường.

Bên cạnh đó việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng phải được xem xét nghiêm túc cụ thể để có tính khả thi trong thực tiễn.

“Theo tôi giải pháp quan trọng là, trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở Trung ương và địa phương cần tập trung nâng cao năng lực bảo vệ an ninh mạng cho đội ngũ làm công tác bảo vệ an ninh mạng tại các cơ quan, tổ chức đó cũng như nâng cao tính bảo mật cho hệ thống mạng nhằm đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa tội phạm về an ninh mạng" - đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề xuất.

Đại biểu Bùi Mậu Quân - đoàn Hải Dương: Việc ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết
 Đại biểu Bùi Mậu Quân - đoàn Hải Dương: Việc ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết

Xử lý thông tin trên không gian mạng

Nhất trí với việc thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5 này, Đại biểu Cao Đình Thưởng - đoàn Phú Thọ đồng tình cao với việc bổ sung các chính sách về an ninh mạng như: Chính sách bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, cho đến việc ưu tiên đầu tư bố trí kinh phí.

Trong đó việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết và rất quan trọng, nhằm ngăn chặn, bảo vệ không gian mạng trước các nguy cơ tấn công có chủ đích.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Cao Đình Thưởng, việc xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng cần có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng an ninh mạng.

Qua đó nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể của lực lượng quản lý, tránh việc sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động xâm phạm lợi ích an ninh, trật tự của nhà nước.

Hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để vi phạm về sử dụng mạng Internet, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền đã diễn ra trong thời gian qua.

Còn theo Đại biểu Bùi Mậu Quân - đoàn Hải Dương, thực tiễn cho thấy, trong những năm gần đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, gây bức xúc trong xã hội.

Đó là các hoạt động lợi dụng không gian mạng để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội như: hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, chống nhà nước.

Hoạt động gián điệp mạng đánh cắp bí mật nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự an toàn xã hội mà nổi lên là các hoạt động lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc, cá độ, mại dâm qua mạng và lấy cắp thông tin cá nhân, vu khống, làm nhục người khác qua mạng và cao hơn nữa là việc tấn công mạng và chiếm quyền điều khiển, khủng bố mạng và chiến tranh mạng.

Nhưng việc xử lý của chúng ta cũng rất bị động, lúng túng và hiệu quả không cao vì hệ thống pháp luật của ta chưa có một hành lang pháp lý quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

"Chúng ta thử hình dung xem hệ thống mạng máy chủ của các hãng hàng không quốc gia, của hệ thống tài chính ngân hàng, của các cổng thông tin điện tử của Đảng, Chính phủ mà bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, bị phá hoại thì hậu quả sẽ như thế nào?. Vì vậy, tôi cho rằng việc ban hành Luật An ninh mạng hết sức cần thiết và phù hợp, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn hiện nay" - Đại biểu Bùi Mậu Quân nhấn mạnh.

"Để bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Luật Giáo dục quốc phòng, nên điều chỉnh lại như sau: Giáo dục an ninh mạng được đưa vào môn học chính khóa về giáo dục quốc phòng, an ninh trong trường THPT, trung cấp, cao đẳng, đại học và trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội" - Nguyễn Thành Công - đoàn Ninh Bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ