Không nên chờ đợi

Không nên chờ đợi

Một giáo viên chia sẻ: “Trường đang nỗ lực dạy trực tuyến, học sinh vừa mới vào nền nếp học - thi theo đề tham khảo của Bộ thì dư luận có vài ý kiến đề nghị bỏ Kỳ thi THPT quốc gia. Đọc thông tin này, trong lớp có một số học sinh giãn việc học. Các em có học lực trung bình thì muốn bỏ thi, những em có học lực khá thì muốn thi. Giáo viên khá vất vả với việc làm công tác tư tưởng cho các em…”.

Dù có vô tình gây cho học sinh những xáo trộn về tư tưởng, nhưng việc dư luận đặt vấn đề có nên duy trì Kỳ thi THPT quốc gia hay không trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là một ý kiến mang tính xây dựng. Bởi thực tế toàn ngành đang đối diện với một khó khăn chưa từng có tiền lệ: Việc tạm nghỉ học phòng dịch kéo dài hàng tháng, lịch học và thi cử thay đổi, học sinh chuyển sang học từ xa trên truyền hình, online khi chất lượng, điều kiện dạy học trực tuyến không đồng đều… Trong bối cảnh đó, bất cứ ý kiến nào trăn trở, lo lắng cùng ngành Giáo dục tìm ra giải pháp phù hợp nhằm giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng đáng trân trọng.

Tuy vậy, cũng cần nhấn mạnh rằng, cho đến thời điểm này, trên tinh thần chung của Bộ GD&ĐT, kỳ thi vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Nếu đi học trở lại trước ngày 15/6, học sinh lớp 12 vẫn có thể tham gia Kỳ thi THPT quốc gia với tinh thần tổ chức giảm nhẹ nhất có thể.

Kỳ thi THPT quốc gia bắt đầu tổ chức thực hiện từ 2015, giảm từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và hai kỳ thi tuyển sinh đại học, một kỳ thi tuyển sinh cao đẳng xuống còn kỳ thi chung cho cả nước, thực hiện lộ trình đổi mới thi cử 2015 - 2020. Luật Giáo dục vẫn quy định học sinh đủ điều kiện được quyền dự thi, nếu đủ các điều kiện được đỗ tốt nghiệp và được Giám đốc Sở GD&ĐT cấp bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy, về mặt pháp lý, vẫn cần có một kỳ thi chung để đánh giá năng lực học sinh một cách nghiêm túc, công bằng theo chuẩn chung của cả nước.

Cho đến nay, dù không ít trường ĐH đã mở rộng tự chủ trong tuyển sinh nhưng đa số các trường đều chưa đủ điều kiện để có thể tự tin tổ chức thi, nên vẫn xem kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia là căn cứ quan trọng để xét tuyển. Tỷ lệ thí sinh chọn xét tuyển ĐH với kết quả Kỳ thi THPT quốc gia vẫn cao hàng đầu trong các phương thức tuyển sinh. 

Nếu điều kiện chưa đến mức phải chọn phương án bỏ thi, việc hủy bỏ kỳ thi sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho nhóm học sinh này. Minh Trung (Học sinh lớp 12, TPHCM) cho biết: “Gần 3 năm nay, hướng đến kỳ thi này, em và các bạn đã có chiến lược học tập, thi cử để mong đỗ đạt vào những trường như ý. Nếu không thi mà xét tốt nghiệp, sẽ không công bằng. Hơn nữa, các trường đại học tổ chức thi riêng, chắc chắn lượng kiến thức và câu khó phải vượt ngoài đề minh họa mà Bộ công bố. Như vậy sẽ gây khó khăn cho thí sinh hơn”.

Về mặt thực tế, dù tạm nghỉ học tập trung nhưng thời gian qua, việc dạy học vẫn tiếp tục. Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo sát sao việc dạy học, nhất là cho HS lớp 12, trong từng diễn biến của dịch bệnh. Nhiều giải pháp đã và đang thực hiện hiệu quả như điều chỉnh kế hoạch năm học, lịch thi, tinh giản chương trình, công bố đề tham khảo, tổ chức dạy từ xa, dạy học trực tuyến… Một số kịch bản về phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia phù hợp các diễn biến của tình hình dịch bệnh cũng được Bộ nghiên cứu và đưa ra trong thời gian tới, ngay cả phương án cần thẩm quyền Quốc hội thảo luận và quyết định.

Dù phương án nào, Bộ GD&ĐT cũng thực hiện trên tinh thần đúng Luật, đánh giá được chất lượng chung, bảo đảm quyền lợi cho học sinh cũng như sự ổn định của cả hệ thống. Và vì thế, trong hoàn cảnh nào, tinh thần dạy và học của thầy và trò vẫn cần tiếp tục giữ vững và phát huy sự chủ động, không nên ngồi chờ thi hay không thi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ