Không lực Hoa Kỳ đang dự tính thả một quả bom plasma lên bầu khí quyển. Không phải để tiêu diệt tổ chức khủng bố hay đe dọa đất nước thù địch nào cả, họ làm vậy để tăng việc tiếp nhận sóng radio trên Trái Đất.
Một vệ tinh nhỏ mang tên CubeSat sẽ được sử dụng cho dự án này và các nhà nghiên cứu của ba đội ngũ nhà khoa học khác nhau đang nghiên cứu để tìm ra cách thức thực hiện việc này.
Thử thách khó nhất với họ là đưa vừa một hệ thống phát plasma vào trong một vệ tinh nhỏ như vậy, và rồi từ đó điều khiển sự phân bố của plasma trong tầng khí quyển.
“Đây vẫn là giai đoạn khởi đầu của một dự án lớn, chỉ rõ cho ta thấy giới hạn của ngành nghiên cứu plasma trong việc thay đổi tầng điện li của Trái Đất”, một trong những nhà nghiên cứu, John Kline từ công ty hàng không vũ trụ Research Support Instruments phát biểu.
Nghe thì có vẻ khó hiểu, một quả bom plasma thì giúp được những gì?
Không lực Hoa Kỳ đang cố gắng tăng chất lượng của ion trong tầng điện li (tầng nằm ở độ cao từ 50-80 km tới 1000 km). Tầng khí quyển này nổi tiếng nhất với việc tạo nên cực quang phương Bắc, nhưng quan trọng hơn là nó đóng góp một phần rất quan trọng vào hệ thống liên lạc toàn cầu của ta, bởi khả năng phản lại sóng radio của nó.
Những sóng radio bị dội trở lại sau khi đập vào tầng điện li có thể đi xa hơn khi nó chỉ được phát đi với cách thông thường. Theo lý thuyết được đưa ra, bổ sung khí gas ion hóa (plasma) vào tầng khí quyển này, thì nó sẽ có khả năng phản lại sóng radio tốt hơn, và từ đó việc liên lạc radio toàn cầu sẽ nhanh chóng hơn nhiều.
Một thông tin thú vị khác, là sóng radio hoạt động tốt hơn về đêm, đó là vì độ dày đặc của các hạt ion trong tầng điện li cao hơn các khoảng thời gian khác trong ngày.
Vệ tinh tí hon mang tên CubeSat.
Bên cạnh đó, việc thả bom plasma lên tầng điện li cũng có những lợi ích khác nữa. Tầng khí quyển này càng dày đặc thì lớp giáp bảo về chúng ta khỏi bão Mặt Trời càng dày, lớp giáp ấy sẽ giúp ta tránh được việc gián đoạn GPS và các phương tiện liên lạc khác tại Trái Đất.
Bên cạnh nhóm nghiên cứu đã nêu trên, hai nhóm các nhà khoa học khác cũng đang tìm cách khiến cho quả bom plasma này hoạt động. Hiện tại họ đang cần thêm nguồn vốn để tiến tới giai đoạn hai của quá trình nghiên cứu, bao gồm thử nghiệm bom trong phòng thí nghiệm và những chuyển bay thử lên vũ trụ.
Từ Đại học Drexel, một trong hai đội nghiên cứu đang lên kế hoạch tạo ra vật chất plasma bằng cách điều khiển phản ứng hóa học của kim loại. Khi thứ kim loại ấy vượt quá giới hạn nóng chảy của nó trong tầng khí quyển, nó sẽ phản ứng với oxy trong không khí và tạo ra plasma ion hóa.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu còn lại thuộc Đại học Maryland muốn cho nổ một quả bom thực thụ trên tầng điện li, sử dụng năng lượng từ vụ nổ họ có thể tạo ra được năng lượng điện. Các loại vụ nổ khác nhau sẽ tạo ra các đám mây plasma khác nhau.
Nghe có vẻ kì lạ và mới, nhưng ý tưởng này không hề mới dù vẫn nhiều phần kì lạ.
Hồi năm 1990, Chương trình Nghiên cứu Cực quang Cao độ (HAARP) tại Alaska đã sử dụng nhiều ăng-ten dưới mặt đất để tạo ra plasma, tăng cường sức mạnh của tầng điện li trên cao. Giờ đây thì Không lực Hoa Kỳ mong muốn có một giải pháp hiện đại hơn cho vấn đề này.
Chặng đường nghiên cứu vẫn còn dài phía trước, nhưng đến cái ngày ta có được một mạng lưới liên lạc cực nhanh và thuận tiện, thì hãy nhớ tới ngày hôm nay, khi mà các nhà khoa học đang tiến hành những bước đầu tiên trong việc phát triển một vệ tinh bắn plasma.
Tham khảo ScienceAlert