Không lơ là việc tiêm chủng cho trẻ: Tỷ lệ giảm mạnh

GD&TĐ - Trẻ không được tiêm vắc-xin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu như mắc các bệnh nguy hiểm do không có miễn dịch, bị tàn phế và thậm chí là tử vong.

Nhờ tiêm chủng nên nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Ảnh minh họa: INT
Nhờ tiêm chủng nên nhiều bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ hoặc giảm đáng kể số mắc, số chết. Ảnh minh họa: INT

Những căn bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, đậu mùa,... đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em trên toàn thế giới.

Đúng lịch, đủ liều

Theo chuyên gia, tiêm chủng là đưa vắc-xin vào cơ thể để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động chống lại sự hình thành, phát triển của một số kháng nguyên gây bệnh cụ thể. Các kháng thể sinh ra sau tiêm giống như một lớp lá chắn bảo vệ sức khỏe mỗi người khỏi sự tấn công, đe dọa của virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh. Tiêm phòng còn làm giảm biến chứng, di chứng, giảm tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh.

Y học ngày càng phát triển với nhiều loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả cao. Tiêm chủng giúp kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là các đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.

Ở trẻ nhỏ thường được tiêm để phòng các bệnh như lao, bạch hầu, ho gà, bại liệt, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ, sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu, bệnh do phế cầu khuẩn, tiêu chảy do Rotavirus.

Ngoài ra khi chủ động dự phòng bệnh sẽ giảm gánh nặng kinh tế. Chi phí dành cho việc tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với điều trị khi mắc các bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, tiêm chủng không chỉ giúp bảo vệ cho một cá nhân mà còn giúp ngăn ngừa bệnh tật cho cả cộng đồng. Hơn nữa, trẻ em tránh được các bệnh truyền nhiễm sẽ phát triển khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật gây ảnh hưởng đến thể chất và trí não, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực khỏe mạnh cho đất nước trong tương lai.

Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp bảo vệ cơ thể và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu như trẻ không được tiêm vắc-xin sẽ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và nguy cơ tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Huyền - Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, mỗi loại vắc-xin được đưa vào sử dụng đều đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài và kỹ lưỡng về tính an toàn, hiệu lực, lịch tiêm, liều lượng và đường tiêm theo quy định.

Vì vậy, để đảm bảo vắc-xin hoạt động hiệu quả, mỗi người cần được tiêm đúng lịch và đủ liều. Nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh thường ngại, lười hoặc nghĩ rằng lớn rồi không cần tiêm phòng. Hoặc chính các bậc phụ huynh cũng nghĩ rằng tiêm chủng dự phòng cần thiết cho trẻ sơ sinh nhiều hơn. Do đó, rất nhiều mũi tiêm nhắc lại đã bị “bỏ quên”.

Theo bác sĩ Huyền, để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Nếu không được tiêm chủng hoặc không đầy đủ, muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ.

“Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin, tiêm chủng là cần thiết, nên thực hiện đầy đủ mũi tiêm và tuân thủ lịch tiêm để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe”, bác sĩ Huyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Huyền, cũng có những trường hợp được coi là chống chỉ định và không được tiêm bao gồm: Khi trẻ sốt cao trên 39 độ C, trẻ từng có tiền sử bị sốc phản vệ hoặc có phản ứng với bất kỳ loại kháng sinh, vắc-xin đã từng sử dụng; trẻ bị suy giảm miễn dịch, chức năng đường hô hấp như suy hô hấp, hen suyễn, suy tuần hoàn, suy tim, suy gan, suy thận... Các trường hợp chống chỉ định khác của từng loại vắc-xin.

Các trường hợp nên tạm hoãn tiêm phòng vắc-xin phải kể đến như: Trẻ đang mắc các bệnh cấp tính hoặc bệnh mãn tính; trẻ sốc, phản ứng nặng sau lần tiêm trước đó; mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng, trừ trường hợp sử dụng kháng huyết thanh viêm gan B; đang sử dụng hoặc mới kết thúc đợt điều trị bằng Corticoid. Các trường tạm hoãn khác được nhắc tới trong hướng dẫn của nhà sản xuất.

Những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát khi giao mùa. Ảnh minh họa: INT

Những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát khi giao mùa. Ảnh minh họa: INT

Ngăn chặn bùng phát dịch bệnh

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 về vắc-xin cho mọi trẻ em chỉ ra, 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vắc-xin nào, hay còn gọi là “0 liều vắc-xin”. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc-xin” nhiều nhất thế giới, với số lượng 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc-xin nào trong năm 2021.

Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam, đặc biệt là do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc-xin Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc-xin hiện nay.

“Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch, hiện đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người”, bà Lesley Miller cho hay.

Cũng theo bà Lesley Miller, nhằm giải quyết vấn đề về khủng hoảng liên quan đến sự sống còn của trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết về gia tăng nguồn lực tài chính cho công tác tiêm chủng và hợp tác với các bên liên quan để khai thác các nguồn lực sẵn có, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng để bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa các dịch bệnh bùng phát.

Cô Nguyễn Thu Ngân - Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Hà Nội cho biết, trường học cũng là nơi dễ lây lan dịch bệnh. Vậy nên, trong nhiều tiết dạy, học sinh được bổ sung kiến thức về sức khoẻ, trong đó có tiêm chủng.

Việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ trong đó có tiêm chủng không chỉ thực hiện với học sinh mà còn lan toả đến cả phụ huynh nắm bắt được thông tin cần thiết để cùng phối hợp với nhà trường thực hiện.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản… cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em.

Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.

Chính vì vậy, các bậc cha mẹ, vì sức khoẻ của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng. Hãy coi việc tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ