Không là khẩu hiệu

GD&TĐ - “Không để sinh viên bỏ học vì khó khăn” không chỉ là phương châm hay khẩu hiệu mà được hiện thực hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học thực hiện chính sách tín dụng, vay vốn ưu đãi để tiếp bước các em đến trường.

Còn nhớ, năm 2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg “Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên” (Quyết định 157). Theo Quyết định này, mức vốn cho vay tối đa là 800 nghìn đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Lãi suất cho vay ưu đãi 0,5%/tháng.

Đến tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157. Theo đó, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn học tập tối đa 4 triệu đồng/tháng (tương đương 40 triệu đồng/học sinh, sinh viên/năm học 10 tháng).

Ngoài ra, cuối tháng 9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, các em được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (10 tháng/năm).

Các chính sách nêu trên đã, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn và mang lại giá trị thiết thực cho học sinh, sinh viên; trên hết là hỗ trợ rất nhiều cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp người học trang trải trong thời gian theo học tại cơ sở giáo dục, đào tạo.

Khi chủ trương đúng, chính sách nhân văn, hợp lòng dân sẽ được dư luận đồng tình, hưởng ứng. Chẳng thế mà, năm học 2023 - 2024, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tạo điều kiện cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập với lãi suất 0%. Đơn cử: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng… Tất nhiên, chương trình này áp dụng cho học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã hình thành và phát triển quỹ học bổng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Một trong những đối tượng được thụ hưởng chính sách trên là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nghèo học giỏi…

Đặc biệt, các ngân hàng cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ vay vốn sinh viên, với lãi suất thấp, điều kiện thủ tục dễ dàng, thuận lợi. Không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội cùng “nâng bước chân đến trường”, giúp các em có tương lai xán lạn, từng bước hiện thực giấc mơ thay đổi cuộc đời.

Từ thực tế trên cho thấy, sự nghiệp giáo dục, đào tạo luôn nhận được sự chung tay hỗ trợ của xã hội. Vì thế, có thể nói, chương trình học bổng là món quà ý nghĩa dành cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn, nhất là tân sinh viên nghèo, yếu thế.

Hy vọng, với sự hỗ trợ, đồng hành này, sinh viên sẽ có thêm động lực, tự tin hơn trên con đường học tập; xây dựng hành trang cho hành trình lập thân, lập nghiệp. Và điều quan trọng, từ chính sách nhân văn, một lần nữa khẳng định không sinh viên nào bị bỏ lại phía sau. Các em đã, đang và luôn nhận được “tiếp sức” của nhà trường, gia đình và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

Châu Âu đang âm thầm làm ăn với Nga

GD&TĐ - Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, các nước châu Âu vẫn duy trì giao thương với Moscow, cung cấp cho Nga hàng chục tỷ USD để tái đầu tư cho quân đội.