Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, điểm hẹn của thầy và trò

GD&TĐ - Ngoài công tác dạy học, thời gian qua, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học tại TPHCM đều quan tâm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh giới thiệu cho học sinh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh giới thiệu cho học sinh về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách làm của mỗi trường một khác, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, nhưng điểm chung đều hướng tới xây dựng một không gian sinh động về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Bác Hồ để thầy và trò cùng học tập, tìm hiểu.

“Bảo tàng Hồ Chí Minh” thu nhỏ

Tại Trường Đại học Tài chính - Marketing, từ tháng 6/2022, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được tổ chức theo dạng thư viện mở thông qua trưng bày sách, tư liệu về Bác. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính trị, văn hóa của đơn vị.

Thư viện mở chia làm 3 khu: Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Những hình ảnh tiêu biểu, ghi nhận của các lãnh đạo, tuyên dương các tập thể, cá nhân của trường đã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Khu vực trưng bày những cuốn sách mang nhiều giá trị, ý nghĩa về cuộc đời của Bác, các chủ đề năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, thư viện còn bố trí không gian khá rộng rãi với thiết bị hiện đại để sinh viên có thể thoải mái đọc những quyển sách tiêu biểu được trưng bày nơi đây. PGS.TS Hồ Thủy Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tài chính - Marketing cho biết:

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường là nơi gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để toàn thể đảng viên, viên chức, sinh viên nhà trường cảm nhận, hiểu được sâu sắc hơn về Người. Đồng thời là nơi tuyên dương, nhân rộng các gương điển hình tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tại TPHCM có rất nhiều mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nổi bật tại các trường như: Trường Mầm non Bến Thành (Quận 1), Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), Trường Đại học Sư phạm TPHCM,… Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD&ĐT TPHCM), thời gian qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được các trường thực hiện phù hợp với từng cấp học, bậc học.

Nội dung trưng bày trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn gắn với các giá trị mà Thành phố đang hướng tới là xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình gắn với giáo dục văn hóa học đường. Đây là nơi để mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh học tập thường xuyên, liên tục.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), một năm về trước, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Bác. Mô hình được xây dựng trong căn phòng rộng chừng 70 m2, sắp xếp như một “bảo tàng Hồ Chí Minh” thu nhỏ. Bên ngoài gắn tấm biển “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” và được trang trí bằng dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam” cùng những bông hoa sen tươi thắm.

Phòng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây trưng bày các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, các tác phẩm văn học, bài báo, tờ tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư liệu trên được trình bày dưới hình thức:

Tranh, ảnh, bản đồ, sách báo, hiện vật và chia thành 5 chủ điểm gồm: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu của Bác Hồ; Hành trình đi tìm đường cứu nước và hoạt động yêu nước của Bác; Những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây và Tủ sách Bác Hồ.

Đặc biệt, mỗi không gian chủ điểm được tổng hợp và thực hiện mã hóa QR code để người tham quan có thể tự tra cứu nội dung, nghe thuyết minh tự động, xem hình ảnh, phim tư liệu về Người; gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại đơn vị. Bên cạnh đó, trong phòng có bàn ghế cho học sinh như một lớp học với bục giảng, hệ thống loa, radio...

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh tìm hiểu, học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Học sinh Trường THPT Tây Thạnh tìm hiểu, học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Học Bác mọi lúc, mọi nơi

Tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TPHCM), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường bố trí phù hợp với cấp tiểu học. Ở hành lang, nhà trường trưng bày các bài thơ, bài hát và truyện ngắn về Bác với nhiều hình ảnh sống động của Bác và thiếu nhi. Tại khu vực gần cổng, nhà trường bố trí hai bảng lớn, trưng bày nhiều hình ảnh về cuộc đời của Bác, các mô hình gắn với Bác như Bến Nhà Rồng, Nhà sàn, Lăng Bác,...

Cô Phan Thị Châu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giáo dục học sinh về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các em sẽ được thầy cô đưa đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và giới thiệu, kể những câu chuyện về Bác. Trường cũng thường xuyên thực hiện các chuyên đề về lịch sử và mời cán bộ từ Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đến chia sẻ cho học sinh. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đặt gần cổng trường, không chỉ là nơi cho học sinh tham quan, học tập, mà cả phụ huynh khi đưa đón trẻ cũng có thể tìm hiểu.

Sau gần 4 tháng chuẩn bị, đầu năm 2023, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) được đưa vào hoạt động. Theo đó, nhà trường sử dụng một phần trong thư viện để trưng bày hình ảnh, các câu nói, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Không gian cũng được trưng bày nhiều sách viết về Bác.

Tại đây, những câu chuyện cuộc đời của Bác Hồ được kể lại một cách logic với hình ảnh sống động. Đó là câu chuyện từ thuở thiếu niên, là thời điểm Bác rời Bến Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville sang Pháp, những thành quả cách mạng cho đến khi Bác qua đời... Phía dưới những hình ảnh này, nhà trường bố trí khu vực tự đọc, tự học để học sinh có thể lấy các cuốn sách về Bác để tìm hiểu.

Chia sẻ thông tin, thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Cường đồng thời cho hay, việc dạy học sinh về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được trường triển khai từ lâu. Tuy nhiên, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến suy nghĩ, tư tưởng và hành động của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Đây không chỉ là hình ảnh trực quan, mà là nơi để học sinh, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, học tập tư tưởng của Bác qua những câu nói, mẩu chuyện… Điều đó tác động tới tình cảm và trái tim của mỗi người, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác thông qua từng tiết học, môn học một cách tự nhiên và tự giác.

“Không gian đã giúp cho học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc, vận dụng được tư tưởng, phong cách của Bác trong cuộc sống hàng ngày. Các tổ bộ môn cũng lựa chọn một số tiết học, bài học liên quan để lồng ghép, đưa học sinh tới Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, qua đó tham quan, tìm hiểu, học tập, rút ra các giá trị riêng cho bản thân”, thầy Cường cho biết.

Một góc Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Một góc Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Giáo dục đạo đức lối sống

Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, những tư liệu và hiện vật tại phòng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp dưới sự hướng dẫn, chọn lọc của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức để có sự chính xác về tư liệu lịch sử. Ngoài ra, Đoàn trường còn tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đông đảo học sinh hưởng ứng.

“Những tác phẩm này được trưng bày trong không gian học tập, làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh... Qua đó bổ sung thêm tư liệu, thực hiện tốt hơn công tác giáo dục đạo đức, lối sống; bồi dưỡng thêm cho các em về lòng yêu nước, phát triển thành đoàn viên tốt, sống tốt, hành động tốt, tránh xa tệ nạn trong xã hội”, cô Hảo cho hay.

“Khi hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấm nhuần hơn những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thì bản thân luôn tự biết noi gương, cố gắng rèn luyện phấn đấu, từ đó sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét về mọi mặt”, thầy Yên chia sẻ.

Tương tự, thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa nhìn nhận, việc triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Điều này không chỉ tạo ra không gian cho giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu mà còn tạo điều kiện để thầy cô sáng tạo hơn trong công việc của mình.

Theo cô Phan Thị Châu, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã giúp học sinh hiểu hơn về thành phố mà các em đang sống, hiểu hơn những câu chuyện về Bác gắn với lịch sử đất nước, TPHCM. Trong quá trình tìm hiểu, học sinh tiếp cận những đức tính tốt đẹp, tư tưởng nhân văn từ những câu chuyện về Bác. Việc “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhờ vậy trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với các em.

“Đặc biệt, mô hình cũng góp phần xây dựng văn hóa đọc trong học sinh từ lứa tuổi tiểu học. Không gian thân thiện cùng hoạt động phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi sẽ tạo sức hút kéo các em đến với thư viện ngày càng đông, thường xuyên hơn; đưa các em quay về với văn hóa đọc, một nếp tốt mà đôi lúc bị lãng quên giữa nhịp sống hối hả thường nhật.

Những câu chuyện về Bác Hồ là bài học đạo đức bổ ích, dễ học, dễ làm theo. Những câu chuyện chứa đựng tư tưởng, đạo đức của Người sẽ là bài học đầy giá trị, góp phần định hình chuẩn mực, hành vi đạo đức đúng đắn cho học sinh”, cô Châu nhấn mạnh.

Học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường, Trang Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đào Sơn Tây và các bạn đều hứng thú. Theo Ngọc Ánh, môn Lịch sử chưa được nhiều học sinh yêu thích bởi quá nhiều chữ và khô khan. Tuy nhiên, với mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học sinh không chỉ dễ dàng cảm nhận tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, mà cũng hứng thú, say mê tìm hiểu về lịch sử.

Lê Quỳnh Bảo Trân, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay: “Trước đây nghe nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh thì nghĩ đó là những điều gì đó cao siêu mà em khó có thể tiếp cận. Nhưng khi trực tiếp tìm hiểu những mẩu chuyện, bản tin ngắn hay bài thơ của Bác được sắp xếp khoa học ngay trong thư viện trường, em thấy thật dễ hiểu, gần gũi.

Đặc biệt, em tâm đắc về cách học ngoại ngữ của Bác. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, khi làm việc trên con tàu, mỗi ngày Bác học thêm một từ mới, Bác ghi lên tay hay mảnh giấy để vừa làm vừa học. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn học được thì chúng em phải cố gắng hơn nữa”.

Các cơ sở giáo dục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là giải pháp đặc thù của ngành GD-ĐT TPHCM nhằm thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Qua đó hình thành môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng. Đặc biệt, góp phần hình thành các phẩm chất yêu nước nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018. - Ông Trịnh Duy Trọng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ