(GD&TĐ) - Chiều nay (13/3), GS.Ngô Bảo Châu đã có buổi giảng bài về phương pháp học tập tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhân dịp này, nhiều sinh viên, giảng viên trẻ có dịp chia sẻ và được chia sẻ từ người đàn anh đã thành công trên con đường nghiên cứu khoa học, những trăn trở, suy tư rất đáng suy nghĩ về niềm đam mê cũng như phương pháp, điều kiện nghiên cứu học tập... hiện nay.
GS.Ngô Bảo Châu giảng bài tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Theo GS.Ngô Bảo Châu: Một trong những khó khăn lớn của người làm khoa học là người khác có thể không tin tưởng vào mình. Nhưng điều này chỉ cần chút quả cảm là có thể vượt qua. Khó khăn lớn nhất là không còn tin tưởng vào chính bản thân mình.
Trả lời tâm tư của một sinh viên cho biết mình và các bạn đang gặp một vấn đề quan trọng hơn cả việc người khác không tin mình và mình không tin mình đó là bản thân không còn say mê với con đường mình đã chọn: “Cá nhân cháu cảm thấy mình đang được học khá nhiều lý thuyết, nhưng không phải là lý thuyết nắm vững bản chất của vấn đề mà là lý thuyết khô khan thiên về giải bài tập. Dường như bọn cháu không thấy được cái đẹp của khoa học, của kỹ thuật”, GS.Ngô Bảo Châu trả lời:
Niềm say mê nhiều khi không ổn định. Chính vì thế, học phải có tập thể, có kỷ luật là vì thế, kể cả khi không còn niềm đam mê cũng phải cố học để hoàn thành công việc, hoàn thành bổn phận của mình. Thêm nữa, niềm đam mê có thể chia tay bạn nhưng cũng có thể quay lại. Không có gì là vĩnh viễn ra đi cả, cái chính là không được bỏ cuộc. Chính tinh thần kỷ luật và tập thể sẽ giúp bạn không bỏ cuộc.
*Tôi rất ấn tượng với nhận định trong bài giảng của giáo sư, đó là nếu người ta muốn khám phá thế giới thì gần như phải đi lại toàn bộ con đường khám phá thế giới của nhân loại. Vậy, làm thế nào đối mặt với kho tàng kiến thức khổng lồ đó để có thể lĩnh hội hiệu quả để phục vụ nghiên cứu của mình?
- Không phải riêng anh mà tất cả những người nghiên cứu khoa học đều gặp phải khó khăn trên. Quan niệm của tôi cũng được nhiều người chia sẻ là chúng ta không được vội và không được sợ. Chuyện học lại từ đầu không có nghĩa là học một cách kinh viện, học tất cả mọi thứ một lúc mà việc học nên xuất phát từ những câu hỏi và có mục đích trước. Khi đã có câu hỏi, tôi nghĩ việc học sẽ dễ hơn nhiều. Như vậy, trong một cuốn sách bạn sẽ chỉ đọc những cái phục vụ trả lời câu hỏi đó mà thôi. Nhưng học phải học đến cùng, học đến nơi đến chốn, không thể chỉ biết lơ mơ.
* Liệu điều kiện nghiên cứu mang tính quyết định hay không và liệu người ta có thể đạt được những nghiên cứu tốt trong môi trường trung bình và kém hay không?
So sánh điều kiện làm việc trong nước và nước ngoài, thì đúng là điều kiện trong nước là bắt người ta phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng tôi cũng muốn bạn lưu ý một chuyện, sự khác nhau đó từ đâu ra? Ngoài chuyện về chính sách chung còn chuyện tổ chức làm việc, tôi nghĩ đó là vấn đề mà sự nỗ lực mỗi người có thể làm được. Liệu chúng ta có tổ chức làm việc tốt hay không? Chẳng hạn khi tôi làm việc ở trường ĐH nước ngoài, bản thân trường đó có hệ thống tổ chức rất tốt. Nếu có giờ dạy thì đúng giờ tôi đến giảng và đã có quy định trước về giờ giảng và những ai sẽ là người giúp tôi chữa bài tập, chấm bài... Thứ hai, tuy rằng tôi không có công trình làm chung với đồng nghiệp nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ, semina, thảo luận chung về những vấn đề có thể không liên quan trực tiếp đến cái mình làm, nhưng đó chính là điều giúp duy trì sự say mê. Chính vì thế, lúc nào mình cũng có câu hỏi mới đặt ra trong đầu, kích thích sự tò mò của mình. Tập thể nghiên cứu nghiêm túc đó cũng giúp mình rất lớn trong duy trì nỗ lực làm việc.
*Có cách nào để thu hút các nhà toán học đang học tập nghiên cứu ở nước ngoài về nước, thưa GS?
Hiện Viện nghiên cứu cao cấp về toán trong khuôn khổ chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đang cố gắng làm việc và cũng đã có thành công nhất định. Nhà nước cũng tạo cơ chế rất thuận lợi để làm việc đó. Đã có 65 nhà nhà khoa học Việt Nam và khoảng 20 giáo sư nước ngoài đến làm việc theo cơ chế đặc thù của Viện. Còn quá sớm để đánh giá kết quả, chất lượng NCKH nhưng cái mà tôi rất mừng là ít nhất hiện nay Viện hoạt động đúng theo tinh thần ban đầu đặt ra.
Thời gian dường như quá ngắn để các bạn sinh viên có thể chia sẻ hết những tâm tư của mình. Ảnh: gdtd.vn |
* Lập gia đình sớm có ảnh hưởng đến con đường NCKH của giáo sư?
Lập gia đình sớm có ảnh hưởng tốt đến sự nghiệp khoa học của tôi. Cuộc sống gia đình ấm áp là nơi con người có thể bình tâm tập trung làm NCKH.
*Giáo sư có thể chia sẻ một ngày làm việc của mình?
Khi tôi làm việc ở ĐH Chicago thì nhịp sống rất đơn giản, đơn điệu. Ngoài công việc gia đình, tôi đến cơ quan đúng giờ mặc dù không ai kiểm soát tôi việc này. Sáng tôi thường gặp gỡ sinh viên, giải quyết tất cả những vấn đề như trả lời email, duyệt bài báo. Buổi chiều hoặc nghe semina hoặc cố gắng tập trung vào công việc khoa học nếu không phải đi dạy. Buổi tối ở nhà, sau bữa ăn gia đình tôi hay ngồi tâm sự với con nhỏ, sau đó đọc sách rồi đi ngủ...
Hai trong 3 câu hỏi lớn được trả lời trong bài giảng của GS Ngô Bảo Châu là học chữ hay học làm người và học như thế nào. Phương pháp GS Ngô Bảo Châu đặc biệt chú trọng việc tổ chức học tập, tổ chức thi cử nghiêm túc. Giáo sư cho rằng, sinh viên nên tận dụng nguồn tài liệu, giáo trình trên mạng để cùng học; người thầy không nhất thiết phải giảng cả buổi mà dành thời gian giải thích thêm câu hỏi của sinh viên, hướng dẫn làm bài tập. “Thiếu tập thể có tổ chức con người nói chung không có khả năng duy trì nỗ lực của mình trong thời gian dài; thiếu trách nhiệm con người sẽ nhanh chóng lạc vào sự chủ quan, con đường nhanh chóng dẫn đến sự bế tắc” - GS.Ngô Bảo Châu. |
Hiếu Nguyễn (ghi)