Tập 2 chương trình “Shark Tank Vietnam” gây nhiều tranh cãi về lời nói của các nhà đầu tư tham gia với người gọi vốn.
Sau khi nghe chị Nguyễn Thị Thu Hằng trình bày về sản phẩm là các dòng xe đạp trợ lực điện sử dụng năng lượng xanh từ pin lithium, Shark Phú (nhà đầu tư Nguyễn Xuân Phú) nói: “Anh chỉ mải nhìn em nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả. Anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm, mà đang quan tâm đến mỗi em thôi”.
Văn hoá độc hại
Bên cạnh câu nói của Shark Phú, một nhà đầu tư khác là Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng) còn bình luận dự án này được chọn vì đáp ứng các tiêu chí “xanh, sạch, xinh”. Bị dư luận phản đối, video trên fanpage của Shark Tank đã bị gỡ.
Sau khi chương trình được phát sóng, dư luận từ khán giả tỏ ra không hài lòng và có nhiều ý kiến trái chiều. Đa phần ý kiến bày tỏ cho rằng, một số doanh nhân tham gia chương trình này đã coi thường và xúc phạm phụ nữ, phân biệt giới tính và cợt nhả quá trắng trợn.
Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) gọi đây là văn hóa độc hại, có dấu hiệu quấy rối tình dục. “Đây là chương trình gọi vốn hay là chương trình về hình thể của người phụ nữ? Nói như thế rất xúc phạm người khác và rõ ràng đó là hành vi quấy rối, không thể biện minh được”, bà Hồng khẳng định.
Có một số ý kiến cho rằng, chê trách những câu nói cợt nhả của các doanh nhân trong chương trình là nghiêm trọng hóa vấn đề. Bởi vì, một trong những thủ thuật làm cho chương trình vốn khô cứng trở nên mềm mại, hút khách thì phải tạo tình huống bớt căng thẳng.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, có nhiều cách để nói đùa mà vẫn vui, đâu nhất thiết đùa cợt nhả gây phản cảm như vậy. Trong trường hợp này, mỗi người hãy thử đặt mình vào vai Shark là nữ, mấy người đi kêu gọi vốn là đàn ông.
Khi phát ngôn như vậy, các anh có cảm thấy bị xúc phạm không? Không những các anh cảm thấy bị xúc phạm mà Shark nữ đó còn bị chiếc vòng kim cô tam tòng tứ đức rớt xuống.
Có khán giả bình luận rằng: “Trong khi bạn nữ đang tâm huyết trình bày ý tưởng thì tất cả chất lượng và năng lực bị gạt bỏ sang một bên, để nói về những thứ không đâu, đó là hạ thấp giá trị và xúc phạm người khác”.
Đừng dung túng
Trước những lời cợt nhả mang tính quấy rối và khinh thường phụ nữ, nhiều khán giả đặt câu hỏi về vai trò của nhà đài. Không những để nội dung thô tục lên sóng truyền hình quốc gia, mà còn cắt dựng nhấn mạnh vào các câu đùa, coi đó là điểm nhấn của chương trình.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ quan điểm: “Không lạ gì những kiểu phát ngôn thô lỗ, chớt nhả, thậm chí quấy rối trắng trợn của một số đàn ông, kể cả người có vị trí xã hội. Cái làm tôi choáng là những chương trình như thế được phát trên sóng quốc gia.
Đồng ý là giải trí, thậm chí thương mại hóa là xu thế chung khó cưỡng lại, nhưng cũng không thể quên vai trò của cơ quan truyền thông đại chúng quốc gia như luật pháp Việt Nam đã quy định”.
Theo bà Hồng, truyền thông đại chúng ảnh hưởng lớn đến nhận thức của công chúng, nhất là giới trẻ. Việc dung túng cho những phát ngôn thô bỉ, những cử chỉ suồng sã và hành vi quấy rối tình dục, phân biệt đối xử giới tính... thật khó có thể chấp nhận.
Đây không phải là một chương trình phát trực tiếp, nên lỗi này hoàn toàn thuộc về người biên tập. Họ không nhận thức được đó là một vấn đề nghiêm trọng, thiếu nhạy cảm lẫn nhận thức về giới, về bình đẳng giới.
Đứng trước những thứ văn hoá độc hại, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội khuyến cáo: Gia đình và nhà trường phải là nơi giáo dục quan trọng nhất đối với các em nhỏ.
Có những vụ việc rất bình thường nhưng lại thấm dần từng ngày, khi lớn lên các em sẽ mặc định đó là chuyện đương nhiên. Nhà trường và các bậc phụ huynh phải chú ý để điều chỉnh hành vi, ứng xử của mình không có định kiến giới trong đó.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng thẳng thắn đặt giả sử, nếu vợ bạn bán hàng mà có mấy gã đến nói “anh không nhìn hàng của em, anh chỉ mải nhìn em thôi”. Hoặc “anh không quan tâm đến kinh doanh, không quan tâm em bán hàng gì, chỉ quan tâm đến em thôi”... bạn đứng đó và nghe họ nói như vậy với vợ bạn thì bạn sẽ làm gì?
Bà Hồng cho rằng, rất có thể xảy ra tình huống người chồng sẽ “choảng” lại những gã đàn ông thô lỗ đó. Nếu hèn hơn, rất có thể về nhà đánh chửi vợ hoặc chửi chó mắng mèo. “Còn nếu bạn thấy bình thường, thậm chí tự hào vì có người “khen” vợ mình như thế thì chúc mừng bạn, bạn đã đứng vào hàng ngũ của các “cá mập”, bà Hồng nêu quan điểm.
Cuối cùng, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cảnh báo: Là phụ nữ, phản ứng với những tình huống như thế này rất khó. Bạn muốn được tôn trọng vì trí tuệ, năng lực của mình hay chỉ vì mình xinh? Đương nhiên xinh là tốt, vừa xinh vừa giỏi càng tốt, nhưng người ta cứ nhất định không thèm đếm xỉa đến cái giỏi của bạn - thứ mà bạn phải phấn đấu, học hành.
Họ chỉ nói đến cái xinh - thứ mà bạn không cần phấn đấu cũng có, thì bạn có hài lòng không? Tôi cho rằng, tất cả chúng ta, đặc biệt nữ giới đừng dung túng cho những lời cợt nhả quấy rối.