Điều này đã vô tình khiến những đứa trẻ trở nên nhút nhát, giao tiếp kém và thiếu tự tin.
Tôn trọng quyền được nói của con
Có lẽ không ít trường hợp cha mẹ trả lời thay con trong cuộc sống hàng ngày. Đơn giản như những câu hỏi của khách với con như: Cháu học lớp mấy, cháu ăn cơm chưa?... đều được cha mẹ “nhanh nhẹn” trả lời thay. Lâu dần, trả lời thay con đã trở thành thói quen của cha mẹ. Cũng chính điều này khiến đứa trẻ trở lên nhút nhát, ngại giao tiếp.
Thạc sĩ Vũ Uyên Phương – Phó Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống cho trẻ nhận định: “Từ khi con biết nói, cha mẹ đã có thể để con hoàn toàn tự chủ với ngôn ngữ của mình. Người lớn chỉ nên là người bạn đồng hành lớn tuổi để định hướng, chỉ bảo cho con điều hay lẽ phải, những điều nên làm và trong đó có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và những người xung quanh. Việc cha mẹ cứ thường xuyên trả lời thay cho con khiến nó trở thành thói quen của cả hai”.
Thạc sĩ Vũ Uyên Phương cũng cho biết thêm, khi thói quen đã hình thành cho cha mẹ là luôn nhanh nhẹn trả lời thay con, đồng nghĩa với thói quen cho con là không trả lời những câu hỏi của người khác, trả lời chậm chạp hoặc thiếu tự tin, nói nhỏ, sợ sai. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con tự lập và để con chịu trách nhiệm với hành động của mình, trong đó có cả việc “phát ngôn”. Tất nhiên, việc dạy dỗ cần tùy thuộc vào độ tuổi, nhưng con đã biết nói, thì hãy để con được nói.
Đồng thời, cha mẹ cũng nên khuyến khích con nói lên ý tưởng của mình trong các cuộc trò chuyện cùng gia đình. Cho dù chủ đề là về chương trình truyền hình mà con muốn xem hay lịch trình hoạt động của cả nhà vào ngày mai. Việc bố mẹ cần làm chỉ là đưa ra một chủ đề mà bố mẹ tin rằng con sẽ nói chuyện được cùng. Từ đó, con cái sẽ mở lòng hơn để giao tiếp tự tin trong nhà trước, rồi dần dần mới hướng đến các mối quan hệ rộng hơn.
Trong những cuộc nói chuyện đó, cũng nên để con được quyền đưa ra quyết định. Cha mẹ cần khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình đối với những việc mà con cần làm hàng ngày. Ví dụ, hãy hỏi con muốn mặc quần áo nào hay ăn món gì cho bữa sáng. Kinh nghiệm về việc lên tiếng cho những hoạt động như vậy giúp con tự tin và bạo dạn hơn rất nhiều. Đồng nghĩa với việc, cha mẹ đã cho con cuộc sống tự tin, dám chịu trách nhiệm và tự làm chủ bản thân từ nhỏ.
Đừng tước quyền được nói của con
Tất nhiên, chẳng có bố mẹ nào muốn con mình vất vả, nên nếu có thể giúp được gì cho con, thông thường, cha mẹ sẽ cố gắng làm bằng được. Thế nhưng, khi con còn nhỏ đã làm hộ con mọi việc, thậm chí trả lời thay con vì nghĩ con còn bé, cha mẹ đã khiến con mình không thể phát triển tích cực, khỏe mạnh và quảng giao được.
Cô giáo Phạm Phương Tri – giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: “Việc đầu tiên cha mẹ không nên làm hộ con đó là trả lời thay con. Nhiều cha mẹ thường nhanh quá dẫn đến có thói quen nghĩ hộ con, trả lời hộ con. Điều này vô tình dẫn đến việc con sẽ ì hơn, lười tư duy, lười suy nghĩ bởi luôn được cha mẹ nghĩ hộ, trả lời hộ. Như vậy, cha mẹ đã vô tình lấy đi cơ hội để chính trẻ tự trả lời câu hỏi của mình, dần mất đi quyền làm chủ cuộc sống. Cha mẹ nhớ rằng việc này chỉ có thể chấp nhận được nếu các bé còn nhỏ và chưa biết nói. Nếu trẻ đã lớn, biết nói thì cha mẹ không nên trả lời thay con như vậy”.
Cô Tri cũng cho biết thêm, cô thường đảm nhận công tác chủ nhiệm học sinh lớp 1. Khi đó các con đã 6, 7 tuổi, nhưng nhiều cha mẹ đến trường vẫn thường xuyên “trả lời thay con” khi được cô hỏi chuyện. Có thể, nhiều học sinh còn nhút nhát, suy nghĩ còn chậm, chưa hiểu câu hỏi hoặc thói quen ít giao tiếp, thế nhưng, việc trả lời thay cho con trong tình huống như vậy cũng không nên.
Thay vào đó, cha mẹ hãy bình tĩnh một chút để chờ con trả lời hoặc có thể gợi ý cho con về những gì người khác đang hỏi. Cha mẹ hãy cố gắng kiềm chế và ngăn bản thân mỗi khi muốn nói thay con để con có cơ hội trả lời.
Thực tế, người lớn luôn nghĩ câu trả lời của mình sẽ làm hài lòng người khác, sẽ mang đến đầy đủ thông tin cho người được hỏi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác giảng dạy học sinh, cô Tri nhận định: “Trẻ càng có nhiều cơ hội giao tiếp, bày tỏ quan điểm, được nói lên suy nghĩ của mình thường thông minh. Nhiều khi, con có thể trả lời chậm vì còn mải suy nghĩ, nhưng có nhiều câu nói thực sự rất hồn nhiên, thú vị khiến người lớn phải bất ngờ. Vì vậy, cha mẹ hãy tin tưởng vào trẻ. Niềm tin đó cũng chính là nguồn năng lượng tích cực để con cái tự tin hơn, trưởng thành hơn. Bởi, đến việc được trả lời câu hỏi trẻ còn không có thì sau này, trẻ sẽ khó thành công và hạnh phúc”.
Cô Tri cũng cho biết thêm, cha mẹ hãy là tấm gương cho con. Nếu trẻ ít nói, nhút nhát và thường không chào hỏi, không thích trả lời câu hỏi của người khác, hãy cùng đồng hành với trẻ bằng hành động. Ra đường, cha mẹ có thể chào những người mình nhìn thấy và nhắc con cũng chào lại hay hỏi chuyện như bố mẹ vừa nói. Việc này được lặp lại nhiều lần sẽ có tác dụng, đến lúc đó, không cần cha mẹ nhắc, con sẽ tự cởi mở bản thân nhiều hơn trong giao tiếp. Đồng thời, người lớn cũng nên hướng cho con tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động tập thể trong gia đình, nhà trường… để xây dựng môi trường giao tiếp tốt cho con phát triển tư duy và ngôn ngữ, đem lại cuộc sống hạnh phúc hơn.
Làm việc thay con, trả lời thay con, quyết định, chọn bạn thay con đều là những việc cha mẹ cần xem xét lại nếu mong muốn con có tương lai tốt đẹp hơn. Việc dạy trẻ không phải là dễ, nhưng đôi khi gò ép khuôn mẫu, bắt con phải nói đúng như người lớn mong muốn, khiến con cảm thấy chán nản khi trò chuyện với người khác, cha mẹ đã vô tình tạo cuộc sống đầy căng thẳng, áp lực và thiếu tự tin cho con trẻ.