Không đeo cặp chống gù khi chưa bị bệnh cột sống

GD&TĐ - Cặp chống gù là sản phẩm được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con trước thềm năm học mới. Theo các chuyên gia, nếu không gặp phải vấn đề về cột sống, không cần phải dùng cặp chống gù.

Cặp chống gù lưng của một số quốc gia châu Á.
Cặp chống gù lưng của một số quốc gia châu Á.

Trẻ nặng 30kg mang cặp tối đa 3kg

Cặp chống gù là sản phẩm được nhiều phụ huynh lựa chọn cho trẻ trước khi vào năm học mới. Thị trường cặp chống gù vì thế cũng rất sôi động với đủ loại mẫu mã khác nhau. Giá thành từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng/chiếc.

TS Lê Anh Dũng, Giám đốc Công ty Thiết bị giáo dục Vietseed cho biết, không thể phủ nhận việc mang vác những chiếc cặp sách nặng tác động xấu lên cột sống. Việc mang vật nặng trong thời gian dài và thường xuyên trên lưng không chỉ khiến trẻ dễ bị đau lưng, vẹo cột sống mà còn bị gù lưng, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.

Theo khuyến cáo thì khối lượng tối đa của chiếc cặp mà cơ thể trẻ nhỏ có thể chịu là khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Cặp chống gù thiết kế chuẩn, có tác dụng chống gù thực sự, không phải là rẻ, thậm chí lên đến hàng gần chục triệu đồng. Và để chống gù lưng cho học sinh, có nhiều biện pháp khác nhau, không nhất thiết phải dùng cặp chống gù.

Theo các chuyên gia, cặp sách cho trẻ từ 5 - 17 tuổi không được nặng quá 10% trọng lượng cơ thể. Ví dụ, nếu trọng lượng của trẻ là 30kg thì trọng lượng tối đa của cặp là 3kg. Các bậc cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra nội dung bên trong cặp có những gì. Các đồ vật, quyển vở, sách nào không cần thiết thì nên để ở nhà. Nêu thường xuyên quan tâm dọn dẹp chiếc cặp, cha mẹ có thể loại bỏ những thứ vô bổ mà trẻ thường nhét vào đó khi thấy thích và rồi quên bỏ ra.

Cha mẹ có thể quan sát con khi đeo cặp. Trẻ còng lưng về phía trước hay đổ người về phía sau? Trẻ có dùng tay xách cặp thường xuyên không? Khi đeo cặp, trẻ có đi chậm chạp? Nếu câu trả lời là có thì cần nhanh chóng xem xét lại chiếc cặp ngay. Nên chú ý đến vở viết của các con, ví dụ học sinh lớp 1, 2 chỉ dùng loại vở ôly 48 trang…

TS Lê Anh Dũng cho biết, đối với học trò đã bị gù lưng, vẹo cột sống, ngoài việc sử dụng cặp chống gù thì phải tiến hành điều trị cột sống, cải thiện vận động để giữ cột sống phát triển bình thường. Cách tập luyện đơn giản nhất là ngồi ngửa ra phía sau rồi lại gập bụng lại thật sâu xuống. Luôn luôn vận động không ngừng nghỉ, không để cột sống cố định quá lâu một chỗ, nhất là ngồi những chiếc bàn học không đủ chuẩn, quá cao hoặc quá thấp so với cơ thể. 

Không ỉ lại vào cặp chống gù

“Thực ra, hiểu một cách tuyệt đối rằng, đeo cặp chống gù để không bị vẹo cột sống là không đúng. Bởi gù lưng, vẹo cột sống còn do nhiều nguyên nhân khác nữa. Ví dụ như mắt em học sinh kém, bị cận thị mà lại bị xếp ngồi tận cuối lớp. Khi học, em cứ phải dướn mắt lên nhìn thì chắc chắn là sẽ bị vẹo cột sống. Hay chiếc bàn quá thấp hoặc cao, khi ngồi học phải với lên hay cúi oằn xuống, cột sống bị đè nén, cũng dễ dẫn đến cong, vẹo.

Tác dụng của cặp chống gù thực ra là không nhiều. Nếu không cải thiện những thói quen xấu thì cho dù có đeo cặp chống gù cũng không có nhiều ý nghĩa”, TS Lê Anh Dũng nhận định.

Nhất thiết phải dạy trẻ biết ngồi đúng khi học bài. Chiều cao bàn, ghế cần phù hợp với chiều cao trẻ. Phải điều chỉnh sao cho khoảng cách giữa chiều cao bàn và mặt ghế ngồi không thấp hơn 22cm và không cao hơn 27cm.

Nên cho trẻ tập thể dục. Đối với trẻ nhỏ, có thể tập các bài tập thể chất chung để củng cố sự phát triển đúng đắn của cơ thể. Khi trẻ được 5 - 6 tuổi có thể dần chuyển sang các bài tập chuyên môn có tác dụng hình thành tư thế đúng cho cơ thể. Những bài tập này có thể tiến hành dưới dạng trò chơi hoặc các hình thức vận động để hấp dẫn trẻ tham gia.

Khi ngồi học, không được đóng khung cố định một tư thế. Sau mỗi tiết học, các em phải để cho các xương khớp của mình được vận động. Vận động liên tục các đốt sống bằng những trò chơi, chạy nhảy ở sân trường rất tốt cho học trò. Giáo viên, học sinh cần thường xuyên giáo dục trẻ để hình thành thói quen ngồi học khoa học, bảo vệ cột sống, mắt, tránh căng thẳng trong quá trình ngồi học…

Theo TS Lê Anh Dũng, cặp sách không đơn giản là vật đựng mà còn thể hiện cách tổ chức khoa học của trẻ em. Rèn kỹ năng tổ chức học tập, lao động… là nền tảng của kỹ năng sống. Sách vở trong cặp sắp xếp ra sao, vị trí nào thì để quyển gì… sẽ rèn cho học sinh tính ngăn nắp. Hãy khoan bàn đến vấn đề cặp có tác động như thế nào đến sức khỏe mà phân tích ở góc độ giáo dục của chiếc cặp.

Cũng cần có sự thống nhất về tiêu chuẩn cặp sách, thực hiện đúng chuẩn ở tất cả các địa phương. Không nên để tùy tiện, thích dùng gì cũng được theo kiểu thiếu hiểu biết. Ngoài việc có một mẫu cặp chung phù hợp với từng lứa tuổi, nhà trường nên tổ chức để mỗi em có 1 ngăn tủ riêng, cất giữ các loại đồ dùng học tập, sách, tranh… ở lớp.

Phụ huynh lưu ý, cặp sách không phải là chiếc cặp lồng. Không chạy theo quảng cáo, ỉ lại vào các loại đồ dùng học tập “thần kỳ” rồi phó mặc mọi thứ. Khi trẻ đã bị còng lưng, vẹo cột sống, việc khắc phục là cực kỳ khó khăn, gian nan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.