Không để thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp ​

GD&TĐ - Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước một mặt cần đúng tiến độ, nhưng một mặt cũng phải đảm bảo được tính an toàn, hiệu quả, không để thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa.

Không để thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp ​

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra vào chiều 3/11, đại diện Bộ KH&ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Báo chí đặt câu hỏi: “Theo báo cáo của Ban Đổi mới phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm nay mới cổ phần hoá được 20/44 doanh nghiệp nằm trong danh mục doanh nghiệp phải cổ phần hoá từ nay đến 2020. Theo đánh giá của Chính phủ, tiến độ như vậy là rất chậm. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ có giải pháp nào thúc đẩy tiến độ không?”.

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết: “Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện Đề án tổng thể cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành các quyết định tạo cơ sở pháp lý, các cơ chế chính sách, lộ trình rõ ràng, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cũng nhìn nhận: Thực tế tiến độ cổ phần hoá hiện nay còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ đề ra. Doanh nghiệp nhà nước thì còn chưa thực chất, chưa nâng cao được hiệu quả hoạt động. Số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn giảm nhưng tỉ lệ sở hữu vốn của nhà nước trong số những doanh nghiệp cổ phần hoá còn cao.

“Chính vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, đặc biệt là các bộ, ngành đang quản lý nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước đang chiếm 100% hoặc đa số cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá này”, người đại diện Bộ KH&ĐT nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, để thực hiện được việc cổ phần hoá này cần phải lưu ý đến những việc cần phải làm, đặc biệt là vấn đề định giá, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp nhà nước.

“Vì nếu chúng ta không có những căn cứ vững chắc, pháp lý rõ ràng để đánh giá, định giá sẽ gây ra vấn đề là đánh giá thấp giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Điều này sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản nhà nước”, Thứ trưởng Phương cho hay.

Trước đó, đánh giá về kết quả cổ phần hóa và thoái vốn trong 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra.

Về nguyên nhân chưa đạt tiến độ, theo Bộ Tài chính, do một số lãnh đạo DNNN vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Mặt khác, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, có 34 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 11/44 doanh nghiệp thuộc Danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 ban hành kèm theo công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ