Hiện tại, thuốc ARV đang được cấp phát miễn phí tại bệnh viện, song nhiều bệnh nhân nhiễm HIV chưa hiểu đúng về bệnh, mặc cảm, tự ti khiến việc tiếp cận để chữa bệnh trở nên khó khăn.
HIV không còn đáng sợ
HIV là virus gây suy giảm miễn dịch ở người làm giảm dần sức chống đỡ của cơ thể khi bị vi trùng, ký sinh trùng hay virus tấn công khiến cơ thể dễ mắc một số bệnh. HIV lây nhiễm chủ yếu qua việc dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con với người có bệnh. Những năm trước đây, người mắc bệnh HIV được coi như mang án tử, không có thuốc chữa trị.
Nhưng nhiều năm gần đây, bệnh HIV không còn đáng sợ nữa thậm chí HIV không còn nguy hiểm bằng ung thư, tiểu đường, cao huyết áp hay một số bệnh khác… Theo chuyên gia tư vấn HIV và các bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Tư vấn sức khỏe Ucara Việt - Bùi Thanh Bình cho biết: “HIV giờ đây được xem như một bệnh mãn tính có thể kiểm soát tốt bằng thuốc kháng virus ARV. Nếu như người bệnh tuân thủ điều trị ARV để kiểm soát virus HIV dưới ngưỡng phát hiện thì người bệnh có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh, có tuổi thọ tương đương với người bình thường thậm chí không có khả năng lây cho bạn tình qua quan hệ tình dục.”
Theo báo cáo của Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), điều trị ARV sớm có thể giảm 41% khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó giảm nguy cơ tử vong nhất là đối với những bệnh nhân bị viêm gan B, giảm thiểu nguy cơ biến chứng sang xơ gan, ung thư gan. Giúp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%. Thuốc ARV có khả năng giảm đến 96% nguy cơ lây truyền qua đường tình dục và giảm đáng kể gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành Y tế trong quá trình phòng bệnh và trị bệnh.
Thống kê đến hết tháng 2/2018, Việt Nam có 125.806 người đang điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) trên tổng số 210 nghìn người mắc HIV. Việt Nam là một trong những nước thực hiện tốt những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới về phác đồ điều trị và số lượng người nhiễm HIV được dùng thuốc ARV điều trị khá cao. Từ ngày 1/1/2019, Quỹ Bảo hiểm y tế của nước ta sẽ thanh toán đầy đủ dịch vụ điều trị HIV/AIDS bao gồm cả thuốc kháng virus ARV. Nếu người bệnh mua bảo hiểm y tế thì đây là tin vui, là hy vọng trao thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV.
Kỳ thị người nhiễm HIV là tội lỗi
Sự kỳ thị là nguyên nhân quan trọng khiến kết quả phòng chống HIV/AIDS chưa đáp ứng được kỳ vọng. Người bị HIV bị phân biệt đối xử, bị mọi người xa lánh nên ngại làm xét nghiệm và ngại công bố bệnh. Nhiều người đi làm xét nghiệm và có kết quả dương tính với HIV nhưng không dám khai tên thật, địa chỉ thật, không dám dùng thẻ bảo hiểm của mình để chữa bệnh. Nếu có tiền thì họ tự bỏ tiền mua thuốc điều trị cho mình. Người không có tiền không chọn cách báo bệnh để tiếp cận với cơ hội được dùng thuốc chữa bệnh miễn phí mà chọn cách buông xuôi, chấp nhận cái chết được báo trước vì mặc cảm, tự ti và vì sợ cộng đồng chối bỏ…
Dù được tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, trong nhà trường, nơi cộng đồng sinh sống nhưng nhiều người vẫn không hiểu đầy đủ và đúng bản chất của HIV. Họ nghĩ, thậm chí khinh bỉ người bị bệnh vì cho rằng những người mắc bệnh là do vướng vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm… và tránh xa không dám giao tiếp, sinh hoạt với người nhiễm HIV vì sợ lây bệnh.
Sự kỳ thị ấy thậm chí còn đến từ ngay chính những người trong gia đình - những người đáng ra phải gần gũi, quan tâm và giúp đỡ người bệnh nhất. Nhưng thay bằng yêu thương, chia thì họ lại bắt bệnh nhân phải ăn riêng, ngủ riêng, sinh hoạt tách biệt với gia đình. Có trường hợp người bệnh còn bị cấm đoán tiếp xúc với người thân hoặc bị chối bỏ bằng cách đưa họ vào những trung tâm dành cho người bị bệnh và để mặc họ trong nỗi cô đơn, buồn tủi và sợ hãi.
Sự phân biệt đối xử còn xảy ra tại các cơ quan, trường học nơi có bệnh nhân mắc HIV. Dù được trang bị kiến thức về căn bệnh, song không ít người vẫn xa lánh, ngại tiếp xúc với người mắc HIV. Có nơi còn tạo sức ép yêu cầu cấp trên bắt họ phải nghỉ học, nghỉ làm. Thậm chí đến đội ngũ y, bác sĩ tại một số cơ sở y tế cũng ngại chăm sóc người bệnh nhất là những người đã chuyển sang giai đoạn nặng.
Cũng theo chuyên gia tư vấn HIV Bùi Thanh Bình: “Tâm lý của bệnh nhân nhiễm HIV khi đi thăm khám lần đầu rất hoang mang. Chúng tôi sẽ khám và tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân bằng cách cho họ biết về số lượng virus trước khi điều trị và sau khi điều trị từ 3 đến 6 tháng sẽ tiến hành xét nghiệm lại và bệnh nhân thấy lượng virus đã giảm đáng kể so với lần đầu xét nghiệm.
Từ đó bệnh nhân yên tâm chữa trị, có tâm lý thoải mái, ăn ngon miệng và tăng cân. Như vậy thì hiệu quả sẽ rất cao. Việc giấu bệnh, không được điều trị và điều trị muộn khiến bệnh chuyển từ HIV sang AIDS và nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân mất đi cơ hội tiếp cận với chương trình phòng chống HIV/AIDS, không được dùng thuốc và không có kỹ năng phòng lây nhiễm cho người khác”.