Không có chỗ đứng trong ngôi nhà chung

GD&TĐ - “Không bao giờ là quá muộn để làm lại. Cháu còn trẻ mà, tương lai của cháu còn dài rộng lắm”. Đó là lời an ủi tôi dành cho Phương – cháu gái ruột của tôi.

Không có chỗ đứng trong ngôi nhà chung

Trước khi Phương có bạn trai, tôi và cháu không thân lắm vì chúng tôi sống ở 2 thành phố khác nhau. Khi Phương hẹn hò, tôi thấy khoảng cách giữa 2 cô cháu càng lớn. Con bé chưa một lần gọi điện hay nhắn tin để tâm sự với tôi. Bởi vậy, tôi khá sốc khi thấy khuôn mặt xanh xao của con bé xuất hiện sau cánh cửa nhà tôi vào sáng sớm.

Phương giải thích cuống cuồng: “Cháu không thể chịu đựng được nữa, cô ạ. Không hiểu sao, nhưng cô là người đầu tiên cháu nghĩ đến khi cháu bị khủng hoảng”. Nghe Phương nói, tôi đoán con bé vừa gặp một biến cố nào đó mà không muốn anh trai và chị dâu tốt biết.

Uống hết ly nước tôi đưa, Phương kể: “Chúng cháu mới chỉ quen nhau hơn một năm trước. Mọi thứ diễn ra rất nhanh và bất ngờ. Khi cháu nói với anh ấy cháu luôn cảm thấy nhớ anh ấy. Anh ấy đã gợi ý cháu chuyển đến ở cùng. Ban đầu cháu cũng do dự, nhưng khi nói chuyện với nhau, anh ấy khiến cháu cảm thấy mình dũng cảm và quyết đoán hơn. Cháu thấy mình chỉ cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên anh ấy.

Cô biết đấy, bố mẹ cháu kịch liệt phản đối, nhưng cháu vẫn làm theo ý mình. Và có lẽ cháu đã bị trả giá. Sống cùng anh ấy là một trải nghiệm khủng khiếp. Anh ấy vừa có một vụ kiện ở tòa với vợ cũ. Cô ta chính là người đã bỏ bê đứa con của họ và bị hạn chế quyền tiếp cận. Đây không phải là kết quả mà anh ấy mong muốn, vì thế anh ấy đã rơi vào trạng thái trầm cảm nhẹ.

Suốt thời gian ở bên cháu, anh ấy hầu như không nói. Đi làm về, anh ấy chỉ xem TV, phớt lờ cả cháu và con gái anh ấy. Cháu đã cố gắng bỏ qua, nhưng sự im lặng của anh ấy ngày càng đẩy cháu vào bi kịch. Vì sống cùng một nhà nên cháu phải làm mọi thứ cho con gái anh ấy. Nhưng điều đau đớn nhất là đồ đạc của cháu vẫn nằm gọn trong vali bởi anh ấy không dành không gian cho cháu.

Anh ấy quăng quật quần áo, xả rác khắp nhà. Cháu là người phải dọn dẹp, và ngày hôm sau mọi chuyện lại tái diễn. Có hôm anh ấy còn không đánh răng và cũng không tắm cho con. Cháu cứ nghĩ, dọn về sống chung, chúng cháu sẽ vui vẻ như những cặp đôi đang hẹn hò, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Cháu cảm thấy mình bị lãng quên, vô giá trị và cô đơn. Cháu nghĩ mình thật ngu ngốc khi chuyển đến sống cùng anh ấy”.

Tôi kéo chiếc ghế của mình lại gần Phương hơn để có thể vỗ về con bé: “Đừng tự trách bản thân mình nữa. Khi yêu hết mình, ai cũng như vậy thôi. Hãy cứ nghĩ rằng mình không may mắn...”.

Phương đã phải nhẫn nhịn quá lâu nên dường như con bé không có nhu cầu lắng nghe tôi nói. Nó chỉ muốn xả hết những gì đang chất chứa trong lòng: “Cô biết không, ngày lễ Tình yêu, chúng cháu đã cố gắng thu xếp một cuộc hẹn riêng tư mà không có sự xuất hiện của con gái anh ấy. Cháu khấp khởi mừng và hi vọng vào một sự kết nối trở lại với anh ấy. Nhưng anh ấy đã hủy cuộc hẹn mà không có một lý do chính đáng nào cả. Mà thôi, cứ cho rằng cháu có thể bỏ qua sự vô tâm của anh ấy.

Dường như không có bất cứ điều gì mà cháu mong đợi từ mối quan hệ này. Anh ấy chưa bao giờ ngỏ ý muốn kết hôn với cháu. Hoàn toàn không có nỗ lực chung nào trong việc biến ngôi nhà thành tổ ấm thực sự. Cháu không cảm thấy mình là một người vợ mà chỉ là một người nội trợ. Cháu còn bị gia đình anh ấy ghẻ lạnh vì không phải là hình mẫu theo mong muốn của họ.

Cháu cảm thấy mình đã cống hiến tất cả cho mối quan hệ này, nhưng giờ cháu không còn nhiều thứ để cho đi nữa. Cháu không muốn bỏ cuộc nhưng cháu biết mình không thể tiếp tục sống bất hạnh như lúc này. Cháu lại vừa bị mất việc do Covid-19, vì thế cháu muốn tìm cơ hội cho mình ở các thành phố khác. Vì vậy, cháu đến đây và mong được nghe lời khuyên từ cô”.

Khi Phương đã đủ bình tĩnh để lắng nghe thì tôi lại không tự tin mình có thể giúp Phương đưa ra lựa chọn đúng nhất. Tôi chỉ biết nói với con bé những điều xuất phát từ trái tim mình: “Cô nghĩ cháu nên suy nghĩ nghiêm túc về việc nhận công việc phù hợp với mình và tìm một đối tác đối xử với cháu bằng sự tôn trọng mà cháu xứng đáng có được. Cô cảm thấy rằng có thể có một phần trong cháu lo lắng về việc có được một mối quan hệ khác - điều này có thể khiến cháu miễn cưỡng rời bỏ mối quan hệ hiện tại.

Cô không thể nói liệu cháu có muốn hay không. Ở đâu đó ngoài kia, có lẽ ai đó sẽ mang lại cho cháu cảm giác hạnh phúc hơn. Cuộc sống đầy rủi ro và lựa chọn, nhưng ít nhất bây giờ cháu đã biết nhiều hơn về những gì cháu có được từ một mối quan hệ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.