Dù hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận được bệnh nhân nào mắc cúm gia cầm gây chết người nhưng không thể chủ quan…
Căn bệnh dễ lây lan
BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - cho biết, từ đầu năm đến nay rải rác có bệnh nhân nhập viện do cúm, đặc biệt trong đó có một số bệnh nhân nhập viện với hội chứng cúm, viêm phổi do virus và phải thở máy...
Virus cúm vào cơ thể gây suy giảm miễn dịch dễ dẫn đến viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, tuy nhiên, một số trường hợp virus tấn công trực tiếp gây viêm phổi với tổn thương lan tỏa rộng, diễn biến nhanh. Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong những ngày thời tiết miền Bắc ẩm ướt như hiện nay, virus cúm có cơ hội tồn tại trong môi trường lâu hơn nên dễ lây truyền bệnh hơn. Theo BS Cấp, các chủng cúm mùa thông thường như cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 diễn biến thường nhẹ, bệnh khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên có một tỷ lệ nhất định virus cúm tấn công gây viêm phổi trầm trọng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
BS Cấp cảnh báo, người bệnh không nên chủ quan với cúm thường mà cần điều trị dứt điểm để tránh biến chứng nguy hiểm. Nếu một người bị nhiễm cả cúm A(H5N1) và cúm thông thường thì 2 loại virus kết hợp với nhau có thể tạo nên chủng virus mới lây truyền nhanh, mạnh và nguy hiểm hơn.
Khi mắc cúm gia cầm (H5N1), bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ kể từ lúc xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tùy thể trạng và diễn tiến bệnh, bác sĩ có thể cho dùng thuốc hạ sốt, chống viêm corticosteroid, kháng sinh hay điều trị suy đa tạng. Nếu bệnh nhân hết sốt 7 ngày sau khi ngừng thuốc, xét nghiệm máu, X-quang tim, phổi ổn định và kết quả xét nghiệm âm tính với virus cúm A(H5N1) thì có thể xuất viện và tuân theo chỉ định của thầy thuốc.
Đối mặt 2 dịch cúm gia cầm gây chết người
Tuy không ghi nhận trường hợp mắc cúm trên người, nhưng theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh trong thời gian tới ở nước ta là rất cao, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa như hiện nay. Trước nguy cơ cùng lúc phải đối mặt với 2 dịch cúm (H5N1 và H7N9), người dân nói chung và các hộ chăn nuôi nói riêng đang vô cùng lo lắng. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 11 địa phương có ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, bao gồm: Cao Bằng, Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng. Tuy nhiên, ổ dịch vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác ở một số địa phương trên các đàn gia cầm. Trong khi đó, dịch cúm A(H7N9) rất nguy hiểm cũng đang có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Trong 2 tuần đầu tháng 3, tại tỉnh Quảng Tây (tiếp giáp với 3 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng) đã phát hiện 14 trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người trải rộng tại 7 thành phố thuộc tỉnh này.
Cần có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nguy hiểm này. PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xác định trong bối cảnh giao lưu, thương mại thường xuyên giữa hai nước, mầm dịch cúm gia cầm được xác định rất dễ xâm nhập vào Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết đông xuân hiện nay rất thuận lợi cho virus cúm bùng phát, dễ phát tán trên diện rộng. Vấn nạn buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm lậu từ Trung Quốc cũng là một trong những con đường đưa mầm bệnh về Việt Nam. Do đó, việc kiểm soát, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới là rất quan trọng.
Để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm gia cầm sang người, xâm nhập vào nước ta, ông Phu khuyến cáo: Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán và ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.