Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 185 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1).
Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đi/đến các quốc gia, khu vực đã ghi nhận biến chủng mới; chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của SARS-CoV-2.
Chuẩn bị đủ các vật tư thiết bị y tế và đặc biệt là dự trữ oxy phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trao đổi với báo chí về công tác phòng chống dịch trong những ngày Tết và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Tại Việt Nam, số ca nhiễm Covid-19 đang ngày một giảm, tỉ lệ tử vong giảm.
Đây là kết quả của quá trình lâu dài, từ chuẩn bị năng lực hệ thống y tế, rút kinh nghiệm điều trị và cách thức phân tuyến tiếp nhận bệnh nhân. Trong đó, ngành y tế áp dụng điều trị sớm, quản lý sớm F0 từ cộng đồng, giúp giảm tỉ lệ tử vong rõ rệt. Đây là thành quả đáng ghi nhận trong công tác phòng chống dịch.
Quan trọng nhất hiện nay là Việt Nam đã tăng được độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 ở mức độ rất cao và là một trong những nước thuộc top đầu thế giới về bao phủ vắc xin. Bộ Y tế xác định vắc xin là một trong những chìa khóa then chốt để đưa cuộc sống trở lại bình thường bên cạnh các biện pháp phòng chống dịch khác.
Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay tất cả các cơ sở y tế đã đảm bảo đủ thuốc men, máu, dịch truyền để làm sao tiếp nhận điều trị bệnh nhân kể cả bệnh nhân Covid-19, đảm bảo tất cả người dân khi có nhu cầu đều được chăm sóc, tiếp cận và điều trị. Hiện nay, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ngày càng giảm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng trong dịp Tết và mùa lễ hội sắp tới, người dân không nên chủ quan trước những thành quả này. Nguyên nhân là người dân tăng giao lưu, đi lại ở các địa phương trong dịp Tết, tham dự lễ hội, sự kiện văn hóa, truyền thống thăm hỏi người thân... nguy cơ lây nhiễm cao.
Người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh, người dân không được chủ quan và giảm sự nỗ lực vì trong dịp Tết nhu cầu giao lưu, đi lại tăng mạnh, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, thăm hỏi người thân. Ông cũng đề nghị vẫn phải áp dụng 5K, đeo khẩu trang khi đi chơi, thăm hỏi dịp Tết... Trong Tết này, các cơ sở điều trị Covid-19 đều đang hoạt động như bình thường.
Hiện biến chủng mới Omicron đang gây ra nhiều quan ngại trên thế giới. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng chủng Omicron không đáng lo ngại khi hầu hết trong số gần 200 ca đã ghi nhận tại Việt Nam đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Điều đáng lo ngại nhất của chủng Omicron là tốc độ lây nhiễm nhanh, chủng Delta đã lây lan nhanh nhưng Omicron còn nhanh hơn. Với người chưa tiêm vắc xin nguy cơ lây nhiễm tăng gấp 7 lần so với Delta, với người đã tiêm cao gấp 3 lần.
Đây là điều lo ngại nên chúng ta vẫn đang quản lý giám sát ca mắc Omicron chặt chẽ để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng. Tỉ lệ ca mắc Omicron diễn biến nhẹ là có, song biến chủng có thể khiến nhiều người cùng lúc bị lây nhiễm, dẫn đến số lượng F0 nặng tăng. Từ đó, dẫn đến nguy cơ quá tải hệ thống y tế, tăng số ca tử vong. Vì vậy cần giám sát chặt ca nhiễm biến chủng mới này.
Người dân không được thấy biến chủng nhẹ hơn mà lơ là. Tôi lưu ý tất cả cơ sở y tế và người dân vui Tết đón năm mới thật an toàn, chú trọng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi khuyến cáo mọi người không quá chủ quan, không cho rằng tỉ lệ nhiễm và tử vong giảm nên giảm nỗ lực phòng chống dịch, mà càng phải cố gắng thực hiện hơn.