Trước hết phải nói rằng, mỗi hình thức thi, kiểm tra đều có ưu điểm và hạn chế riêng.
Hình thức thi tự luận khách quan đã được áp dụng trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ từ lâu ở Việt Nam. Hạn chế chủ yếu của hình thức này là đề thi không thể phủ rộng phạm vi kiến thức, kỹ năng cần đánh giá, đề thi chỉ gồm số ít các câu hỏi nên thường tập trung vào một số nội dung được xem là “trọng tâm”.
Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến dạy thêm, học thêm; dạy “tủ”, học “tủ” và hiện tượng tiêu cực trong coi thi, chấm thi có nhiều điều kiện để xảy ra. Thi tự luận kéo theo thời gian chấm thi dài, chi phí chấm thi cao; bài thi do giáo viên chấm có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố chủ quan, tâm lý của người chấm nên khó đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan giữa các bài thi.
Trong khi đó, thi trắc nghiệm đặc biệt hiệu quả khi được sử dụng cho các bài thi trên diện rộng và kiến thức chuẩn hóa với những ưu điểm chính là: Khảo sát được số lượng lớn thí sinh, nội dung đánh giá rộng, cho kết quả nhanh, điểm số đáng tin cậy, công bằng, chính xác và ngăn ngừa “học tủ”.
Đề thi trắc nghiệm cho phép đánh giá phạm vi rộng nội dung kiến thức, kỹ năng, do đó khắc phục xu hướng dạy tủ, học tủ, cắt xén chương trình, dạy thêm học thêm. Bài thi được chấm bằng máy nên đảm bảo tính khách quan, độ tin cậy của kết quả thi, giảm chi phí và thời gian chấm thi.
Mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá khách quan, trung thực kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học ở mức độ học vấn phổ thông, đảm bảo kết quả thi có độ tin cậy; phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở cho tuyển sinh giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, cung cấp thông tin phản hồi về chất lượng giáo dục phổ thông để điều chỉnh quá trình dạy, học nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Vì vậy, lựa chọn hình thức thi trắc nghiệm, trong đó có môn Toán là phù hợp.
Để thực hiện thi trắc nghiệm theo lộ trình khoa học với những bước đi thích hợp được hoạch định từ năm 2005, năm 2006 Bộ GD&ĐT đã áp dụng thi Ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm, năm 2007 thi trắc nghiệm thêm các môn Vật lý, Hoá học. Đến năm 2017, trên cơ sở xem xét toàn diện cả về lý thuyết cũng như thực tiễn, Bộ GD&ĐT quyết định thi trắc nghiệm các môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Đồng thời, do ý thức rõ việc áp dụng thi trắc nghiệm trong kỳ thi quốc gia có thể sẽ dẫn đến dạy theo hướng thi trắc nghiệm nên Bộ đã chỉ đạo đa dạng hóa và phối hợp hợp lý các hình thức đánh giá trong kiểm tra, đánh giá thường xuyên định kỳ trong các nhà trường phổ thông đảm bảo phát triển năng lực và tư duy, sáng tạo của người học.
Bình luận