(GD&TĐ) - Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 khóa XI thông qua và đã chính thức được Ban Chấp hành Trung ương ký quyết định ban hành.
Để đáp ứng được những yêu cầu về đổi mới, cần phải có một hệ thống giáo dục tương thích. Đó là “xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lí tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lí, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng”, như Nghị quyết đã đặt ra.
Bên cạnh yêu cầu “dạy tốt, học tốt”, có thêm yêu cầu “quản lí tốt ” là rất đúng và cũng rất phù hợp với thực trạng của giáo dục – đào tạo nước ta những năm gần đây .
Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra nhiều vấn đề mới để chấn hưng giáo dục, nhằm tạo ra những đột phá, đưa giáo dục đi lên, phát triển bền vững. Để tiếp nhận được và lĩnh hội thấu đáo Nghị quyết, đòi hỏi sự quyết tâm thật sự của cả hệ thống chính trị, của toàn ngành và toàn xã hội.
Bởi đây là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những tư duy giáo dục cũ lỗi thời từng đeo bám trong ta nhiều năm với những tư duy giáo dục mới tiến bộ. Chỉ xin nêu một ví dụ: Trong việc dạy học, tư duy cũ chỉ cần theo cơ chế thầy truyền thụ kiến thức, trò tiếp thu thụ động, không cần phải tranh luận, phản biện gì cả nhưng tư duy mới lại yêu cầu phải phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân người học.
Cuộc đấu tranh giữa hai cách dạy học này từng diễn ra hàng chục năm, nhưng cho đến nay số giáo viên dạy theo cách cũ vẫn còn nhiều bởi đây là cách dạy họ đã quen, lại dễ dạy; còn “phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân” lại rất khó bởi tiếp nhận cái mới trong khi cái bảo thủ vẫn bám chặt, trở thành lối mòn tư duy và sức ì sáng tạo của một bộ phận không nhỏ.
Ngay cả phụ huynh học sinh, nhiều người vẫn muốn con em học thêm càng nhiều càng tốt. Cho nên phải tạo ra một cuộc cách mạng về tư duy giáo dục trong toàn xã hội (giáo viên, học sinh, người quản lí giáo dục và cả phụ huynh học sinh); làm nên sự đồng thuận xã hội – một sức mạnh tổng hợp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo.
Chính vì vậy, Nghị quyết đổi mới lần này phải được tổ chức học tập thật sâu rộng và nghiêm túc, có hiệu quả trong toàn bộ giáo viên các bậc học từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, sinh viên các trường sư phạm sắp ra trường; đồng thời quảng bá rộng rãi “tinh thần đổi mới” trong phụ huynh học sinh và nhân dân cả nước.
Đây là cơ hội tốt nhất để đổi mới tư duy giáo dục cho đội ngũ giáo viên và cả đội ngũ cán bộ quản lý, tạo cơ sở thuận lợi để toàn ngành có thể tiếp thu việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong những năm tiếp theo; cũng như các yêu cầu mới về đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
TS Nguyễn Xuân Lạc