Không chạy theo số lượng xây dựng hệ thống luật

GD&TĐ - Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra yêu cầu hệ thống pháp luật phải bảo đảm cả về hình thức, nội dung và chất lượng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn rằng, dường như câu chuyện “làm luật” còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn nên cùng với đó, “tuổi thọ” của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. Một số dự án luật mới ban hành được 2 - 3 năm lại sửa đổi, bổ sung.

Đây không phải là vấn đề mới mà đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu ra và có thể dẫn chứng cụ thể qua việc trong số 72 luật thông qua tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, có tới hơn 1/3 là luật sửa đổi và bổ sung.

Cụ thể như Luật Đầu tư năm 2014 được sửa đổi, bổ sung 5 lần vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và được sửa đổi toàn diện năm 2020. Như vậy, chỉ sau một năm ban hành đã phải sửa đổi.

Hay như Luật Xây dựng năm 2014 cũng phải sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2016, 2018, 2019 và 2020… Thậm chí, có luật chưa có hiệu lực thi hành cũng đã phải sửa đổi.

Mới đây nhất, tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề tuổi thọ của luật, rộng hơn nữa là việc phải sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật lại được nêu ra.

Theo đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu vấn đề: Mấy ngày nay, báo chí liên tục đưa tin về việc Chính phủ đang ráo riết chỉ đạo xây dựng các dự án luật sửa đổi 13 luật có vướng mắc, bất cập và sẽ đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Tôi và cử tri rất thắc mắc tại sao đã có định hướng chương trình xây dựng pháp luật từ đầu nhiệm kỳ, công tác rà soát pháp luật cũng được làm tương đối thường xuyên, các cơ quan từ Chính phủ đến Quốc hội đều rất cố gắng, trách nhiệm, làm việc vất vả nhưng luật vừa mới thi hành đã phải sửa đổi, thậm chí luật chưa thi hành cũng phải sửa?

Về khách quan, việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật nhằm làm cho nội dung phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và yêu cầu của thực tiễn đặt ra vì xã hội luôn vận động, phát triển không ngừng, cần thiết phải có sự điều chỉnh trong khi pháp luật không dự trù và điều chỉnh được tất cả.

Về chủ quan, việc phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật là do việc dự báo chưa cao, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, thậm chí tùy tiện khi thực hiện xây dựng pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này nhiều ý kiến cho rằng, nên khôi phục lại việc xây dựng chương trình pháp luật cho cả khóa, hạn chế đến mức tối đa việc điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.

Thành phần ban soạn thảo cũng nên đổi mới theo hướng có nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chuyên môn, đối tượng chịu sự điều chỉnh tham gia. Bên cạnh đó, phải trả lời được câu hỏi ai soạn thảo? Ban soạn thảo do ai chỉ đạo? Các cơ chế, chính sách cũng phải hình thành rõ ràng ngay trong các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh và phải có đầu mối chịu trách nhiệm.

Cần nhấn mạnh rằng, Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra yêu cầu hệ thống pháp luật phải bảo đảm cả về hình thức, nội dung và chất lượng. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật; bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài.

Bởi vậy, điều đặc biệt quan trọng để bảo đảm “tuổi thọ” của các văn bản pháp luật là phải nhìn thẳng vào năng lực và tính chuyên nghiệp của bộ máy tham gia xây dựng pháp luật để có giải pháp khắc phục.

Phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng. Có như vậy, hệ thống pháp luật mới đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ